Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Chữ Thái Qùy Châu từ một kí tự qua nghiên cứu của M.Ferlus


1. Về chữ Thái ở Nghệ An

Được biết, trong quá trình lịch sử, nhiều bộ lạc Thái đã di cư đến những vùng khác nhau của bán đảo Đông Dương vào những thời kỳ khác nhau và theo những nhóm khác nhau. Một nhóm trở thành người Shan ở Myanma, một nhóm khác trở thành người Xiêm ở Thailand; một nhóm khác trở thành người Lào và những người Thái với tên gọi bộ lạc khác nhau ở miền Bắc Việt Nam, nam Trung Quốc và cả ở đảo Hải Nam. Khác với nhóm người Shan ở Myanma, người Thái ở miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc là những người phần nào đã hoà trộn tự do với chủng tộc Môn- Khme.
Ở Việt Nam có 7 tỉnh có người Thái cư trú. Đó là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Năm 2000, Chương trình Thái học Việt Nam (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục theo đuổi Chương trình nghiên cứu chữ Thái của mình đã đặt ra từ năm 1994. Đến năm 2001, sau nhiều năm phấn đấu Đại học Quốc gia Hà Nội đã đứng ra làm chủ quản, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là cơ quan chủ trì để cho Chương trình Thái học Việt Nam nâng việc nghiên cứu chữ Thái của mình lên bước phát triển mới tốt đẹp và mang lại lợi ích thiết thực hơn cho dân tộc Thái.
Ngày nay, ở một số nước phương Tây như Pháp, Mỹ... cũng có một bộ phận nhỏ dân cư là người dân tộc Thái, gồm cả Thái Đen và Thái Trắng. Các cư dân Thái đã đến các nước này từ Lào, từ Thailand và Việt Nam chủ yếu là do những biến động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhóm SIL Tai Dam ở Mỹ là nhóm nghiên cứu và làm font chữ Thái từ khá sớm. James L.Brase và Baccam Don đã nghiên cứu về chữ Thái của một số người Thái Đen cư trú ở bang Des Moines- Hoa Kỳ. Tổ chức NOMNA cũng có những nghiên cứu về chữ Thái.
Có lẽ trước đây, do đặc điểm riêng và sự lựa chọn giữa các vùng nên người Thái đã cho ra đời 8 (theo ông Cầm Trọng là 8, còn ông Trần Trí Dõi chỉ cho là có 5) loại hình kí tự cổ khác nhau. Tuy nhiên, cả 8 loại hình kí tự ấy đều bén rễ từ một gốc chữ Sanscrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer.
Tám loại hình kí tự cổ của chữ Thái ở Việt Nam là:
- Chữ Thái Đen ở các huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
- Chữ Thái Trắng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.
- Chữ Thái Trắng ở huyện Mường Lay, Mường Tè (Lai Châu).
- Chữ Thái Trắng ở huyện Phù Yên.
- Chữ Thái Trắng ở huyện Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình).
Các loại chữ của người Thái Trắng và Thái Đen ở các địa phương trên đây có một vài nhà nghiên cứu cho rằng chúng cùng một kiểu duy nhất...
Năm 1993, Michel Ferlus, nhà nghiên cứu người Pháp, đã đến huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An để nghiên cứu về chữ Thái hệ Lai- Tay, sau này còn gọi là hệ chữ Thái Qùy Châu. Kết quả nghiên cứu của ông bao gồm cả công trình "Phonétique et écriture du Tai de Qui Châu (Vietnam)" [Ngữ âm và chữ viết của người Thái Qùy Châu (Nghệ An)](1). Trong công trình này, M.Ferlus đã đề cập, phân tích, lý giải về các ký tự được sử dụng trong hệ chữ Thái Qùy Châu, cũng như cách ghép vần, cách tạo vần và cách sử dụng các phụ âm chính theo nhóm cao- thấp để hỗ trợ về thanh điệu- vốn rất phổ biến trong các hệ chữ Thái. Mấy năm gần đây, Giáo sư Thawi Swangpanyangkoon (Bangkok, Thailand) cũng công bố các công trình về chữ Thái hệ Lai- Tay ở Nghệ An qua các bài viết mang tên "Quy Chau Tai and Shan alphabets compared"(2) và "Paper on Quy Chau- Shan writing"(3), "A Tai script with Chinese style"(4), bài đầu tiên được trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Shan học, Trường Đại học Chulalongkorn, 10- 18 tháng mười năm 2009 tại Bangkok, Thailand.
Trong huyện Quỳ Hợp và một số huyện lân cận như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông của tỉnh Nghệ An, việc sử dụng chữ Thái hệ Lai- Tay đã trở thành truyền thống từ rất lâu đời. Chữ Thái (với các hệ viết ngang tạm gọi chung là Lai- Xứ) ở Việt Nam đa phần có hình thức và quy luật gần giống với chữ Thái hiện đang được sử dụng ở Thailand, kể cả chữ viết của Lào... Thế nhưng riêng với chữ Thái hệ Lai- Tay, cho dù đã bước đầu được nghiên cứu như đã nêu; dường như một số nhà nghiên cứu vẫn có xu hướng đồng hoá chữ Thái hệ Lai- Tay với các hệ chữ khác, mặc dù nó thể hiện sự khác biệt rõ rệt...
Chữ Thái của người Thái Tay Thanh ở Thanh Hoá và Nghệ An. Có người còn gọi là chữ Tay Đeng (Thái Đỏ). Đây là loại chữ viết của những nhóm người Thái cư trú rải rác ở ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Hoà Bình với tên gọi địa phương là Thái Thanh (ở một địa phương của Thanh Hóa còn có cả nhóm Tay Đeng). Loại chữ viết này gần với kiểu chữ của người Thái Đen hay Thái Trắng ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Chữ Thái hệ Lai- Pao ở Tương Dương, Nghệ An được gọi theo tiếng Tay Mương (Tai Muong)- có nghĩa là "chữ viết vùng sông Pao". Sông Pao (tiếng Thái gọi là nặm Pao) là tên gọi đoạn thượng nguồn sông Lam của người Việt ở tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép của linh mục Th.Guignard, cuối thế kỷ XIX, người Thái ở vùng sông Pao này vẫn còn sử dụng loại văn tự này trong đời sống hàng ngày.
Cả hai hệ chữ Thái Lai- Pao và Lai- Tay cùng có đặc điểm mang tính khác biệt hẳn so với các hệ chữ Thái ở tất cả các nơi khác. Theo đó, ngoài sự khác biệt thông thường về hình thức ký tự vốn là một sự hiện diện tất yếu trong cách so sánh giữa hai hệ chữ Thái bất kỳ nào; hai hệ chữ này còn có sự khác biệt với các hệ khác về vị trí của các kí tự khi ghép vần. Khác với cách ghép vần của chữ la- tinh nói chung, cách ghép vần trong các hệ chữ Thái tùy theo các nguyên âm hoặc vần mà có một số trong đó được ghép vần theo trật tự đảo ngược. Tuy vậy, với hai hệ chữ Thái Lai- Tay và Lai- Pao cùng chỉ có cách ghép vần thuận như trong chữ la- tinh.
Theo ông Trần Trí Dõi, người ta cũng gọi loại chữ Thái Quỳ Châu là chữ Tai Yo. Đặc điểm nổi bật và dễ nhận biết của loại chữ này là được viết theo hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới, theo dòng từ phải qua trái; theo trang từ sau ra trước. Người ta thấy, với đặc điểm như thế này, chữ Thái hệ Lai- Tay đã mang tính biệt lập so với tất cả các hệ chữ Thái quen thuộc khác.

2. Từ một ký tự của chữ Thái Qùy Châu được diễn giải bởi M.Ferlus

Trong một Đề tài nghiên cứu về chữ Thái hệ Lai- Tay mang tên "Nghiên cứu, biên soạn Tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai- Tay ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)" được nghiệm thu năm 2012 tại Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An của tác giả Sầm Văn Bình (SVB) có một phần nội dung hoàn thiện về quy luật ghép vần trong chữ Thái hệ Lai- Tay. Theo đó, các con chữ trong Bảng chữ cái hệ Lai- Tay được phân chia thành các nhóm đối tượng với tên gọi như sau:
- Nhóm các ký tự thông thường, bao gồm:
+ Nhóm các phụ âm.
+ Nhóm các nguyên âm.
+ Nhóm các vần.
- Nhóm các ký hiệu.
- Nhóm các ký tự đặc biệt.
Trong hàng ngàn các văn bản chép tay bằng hệ chữ Thái Lai- Tay hiện còn lưu giữ được tại Nghệ An, tất cả các văn bản đó đều không có giải pháp thể hiện các vần -OA, -OE, -UÊ, -UY... mà các vần này chỉ được thể hiện thông qua các vần thông thường như -A, -E, -Ê, -Y... Điều này dĩ nhiên là đã làm cho chữ Thái hệ Lai- Tay không thể hiện được đầy đủ tất cả những câu từ được sử dụng trong tiếng Thái địa phương; và do đó, hệ chữ Thái này được cho là chưa thực sự hoàn thiện.
Tuy nhiên, sau khi xem xét và đối chiếu với tất cả các hệ chữ Thái khác, trong đó có cả hệ chữ Thái "gần gũi nhất" là hệ Lai- Pao, dễ dàng nhận biết được rằng trong tất cả các hệ chữ đó đều đã sử dụng đến phụ âm vần -VO để hỗ trợ cho việc tạo các vần đã nêu trên. Và cách sử dụng này đã được tiếp tục lựa chọn để làm giải pháp cho việc tạo các vần đã nêu cho chữ Thái hệ Lai- Tay.
Thiết nghĩ, giải pháp này thực sự là "thông thường" bởi chính từ đây mà tất cả các hệ chữ Thái đều có chung một cách sử dụng trợ giúp của phụ âm vần -VO để tạo các vần nêu trên, và không còn tồn tại một ngoại lệ nào khác.

Sau khi có được thông tin về "giải pháp" sử dụng phụ âm vần -VO trong các vần nêu trên, một người quan tâm đang làm việc ở Hà Nội đã đưa ra thắc mắc về sự khác biệt trong cách thể hiện của M.Ferlus qua công trình "Phonétique et écriture du Tai de Qui Châu (Vietnam)". Trong công trình này có nêu, để tạo các vần -OA, -OE, -UÊ, -UY như trên đây thì trong hệ chữ Lai- Tay sẽ sử dụng ký hiệu CAY. Bản thân ký hiệu CAY chính là một trong bốn con chữ thuộc nhóm các ký hiệu, bao gồm thêm cả CAU, CƯ và CĂNG. Do trong công trình của M.Ferlus chỉ nêu ra mà không hề có một sự lí giải cần thiết vì sao sử dụng CAY thay vì -VO nên những người được tiếp cận với công trình này đều coi như là một sự mặc nhiên. Mãi cho đến khi tác giả SVB đưa ra giải pháp sử dụng phụ âm vần -VO trong Đề tài của mình, việc tác giả M.Ferlus sử dụng kí hiệu CAY mới được đặt ra.

Sử dụng kí hiệu CAY (theo M.Ferlus)

Ngày 20 tháng 8 năm 2014, trong một dịp gặp mặt giữa SVB cùng với một số nghệ nhân đang làm công việc dạy chữ Thái Lai- Tay gồm ông Vi Ngọc Chân (huyện Qùy Châu), ông Lô Đức Mậu (huyện Qùy Châu), ông Lữ Thanh Hà (huyện Quế Phong) và ông Vi Khăm Mun (huyện Tương Dương), đã có sự trao đổi về vấn đề này và đã có thống nhất như sau: Dường như việc trong văn bản cổ của chữ Thái Qùy Châu (hệ chữ Lai- Tay) có sử dụng ký tự CAY trợ giúp để tạo các vần nói trên là có thật, và tồn tại trong một văn bản cụ thể gọi là "Lai Xấc Xà" (tức "Truyện về loạn giặc Xá"- theo ông Vi Ngọc Chân) và trong thời gian đến Qùy Châu để nghiên cứu chữ Thái Qùy Châu, M.Ferlus rất có thể chỉ được tiếp cận với loại hình văn bản này mà không tiếp cận được với văn bản chữ Thái ở một số nơi khác. Có thêm một sự ghép nối giữa ký tự CO và VO để tạo thành chữ CO-VO (QU) trong hệ chữ Lai- Tay và qua việc xem xét các hệ chữ Thái khác (Sơn la, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và Lai- Pao...) cũng thấy có sự thống nhất sử dụng phụ âm vần -VO trong việc trợ giúp tạo các vần đã nêu.
Tìm hiểu kỹ từ bức ảnh chụp lại văn bản cổ "Lai Xấc Xà" được tìm lại qua thông tin từ ông Vi Ngọc Chân, đã có thể biết được nguyên do sử dụng kí hiệu CAY (thay vì phụ âm vần -VO) trong công trình của M.Ferlus. Xem kỹ bức ảnh chụp văn bản "Lai Xấc Xà" này, với một người biết đọc thông thạo chữ Thái cổ hệ Lai- Tay, cũng sẽ không thể tìm ra được trường hợp sử dụng kí hiệu CAY theo như M.Ferlus đã đề cập. Tuy nhiên, xem xét kỹ dòng tựa đề của văn bản với nội dung như sau: "Kê chư pi Lan Xâc Xa" và xác định ba chữ "Lan Xâc Xa" sẽ được dịch sang tiếng Việt là "Loạn Xấc Xa" (tức "Loạn giặc Xá", một giai đoạn lịch sử ở vùng Tây Bắc miền núi Nghệ An)- chúng ta sẽ chú ý đến từ "Lan" trong tiếng Thái đã được chuyển thành từ "Loạn" trong tiếng Việt. Theo ghi nhận từ thực tế, trong rất nhiều các văn bản ghi chép bằng chữ Thái cổ hệ Lai- Tay, những người sử dụng văn bản trước kia thường đưa vào những dòng ghi chú bằng chữ Hán Nôm trong các văn bản cổ đó (xem ảnh).


Ảnh: Văn bản "Lai Xấc Xà"

Hãy chú ý đến ký hiệu CAY trong từ TAY (dòng thứ 3 từ phải sang); ký tự KIA trong từ THIÊN (dòng thứ 2 từ phải sang); và từ LAN (dòng đầu tiên từ bên phải): Bên phải phụ âm LO của từ LAN có một hình chữ thập rất giống với ký hiệu CAY hoặc ký tự KIA (trong chữ Thái hệ Lai- Tay, ký hiệu CAY và ký tự KIA có hình thức giống nhau, chỉ khác về vị trí khi đứng trong từ). Xét trong tổng thể của văn bản, chúng tôi đã kết luận rằng, hình chữ thập được viết phía bên phải phụ âm LO đã bị một người dân bản địa (do không biết chữ Hán Nôm) đã hiểu nhầm là ký hiệu CAY, bằng chứng là trong một từ được viết để chú thích nằm bên trái phụ âm LO có thể nhận diện rõ ràng đó là chữ "Lay" được viết bằng mực đỏ. Và hình chữ thập sát ngay bên phải phụ âm LO không gì khác hơn là BỘ THẬP, thành phần được ghép trong từ HÁN NÔM được viết kéo từ phụ âm LO xuống nguyên âm CA. Việc viết kèm các từ giải thích bằng chữ HÁN NÔM là khá phổ biến trong một số văn bản chữ Thái cổ hệ Lai- Tay, như trường hợp của từ THIÊN bằng chữ Thái lại có viết thêm một từ THIÊN ngay bên phải bằng chữ Hán Nôm.


Vậy có thể đi đến kết luận là, xuất phát từ sự hiểu nhầm của một người dân bản địa trong việc viết chú thích bằng chữ la- tinh, đã dẫn đến sự tiếp nhận và chú giải của nhà nghiên cứu M.Ferlus. Từ đó, M.Ferlus đã cho rằng người Thái ở vùng Qùy Châu (Nghệ An) đã sử dụng ký hiệu CAY trong việc hỗ trợ tạo các vần -OA, -OE, -UÊ, -UY như đã nêu ở phần trên.
Cũng cần nói thêm, việc bắt buộc phải đồng hóa các vần -OA thành -A, -OE thành -E, -UÊ thành -Ê, -UY thành Y không phải là một lựa chọn có sẵn mà chỉ là một sự bất đắc dĩ của người dân bản địa trong việc cố gắng thể hiện các vần đã nêu.
Việc sử dụng chữ Thái hệ Lai- Tay ở vùng Qùy Châu (Nghệ An) làm công cụ quản lý tại các tổng, phủ của người Thái Nghệ An đã đưa chữ Thái hệ Lai- Tay lên một tầm quan trong đặc biệt. Như trong các trang văn bản chúng tôi sưu tầm được tại nhà ông Vi Hải Sung, dân tộc Thái ở Bản Thắm, xã Châu Cường, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) ngày 22 tháng 11 năm 2008, có một trang ghi chép về khế ước giữa người dân bản địa (xem ảnh dưới đây) có đóng dấu của triều vua Thành Thái. Trong nội dung chứng thực của "quan đại diện triều đình" có đoạn viết "THANH THAI THÂP CƯU NIÊN NHI NGAT" ("Thành Thái thập cửu niên nhị ngạt"- tức là tháng 2 năm [của triều vua] Thành Thái thứ 19). Chú ý rằng ở đây chữ NGẠT được dùng thay cho chữ NGUYỆT với nghĩa là THÁNG trong tiếng Việt. Do người Thái vùng Qùy Châu không thể hiện được vần -UYÊ trong chữ viết nên đã chuyển từ NGUYỆT sang thành NGẠT. Trong các văn bản sưu tầm được tại nhà ông Vi Hải Sung, cũng có cả các văn bản ghi niên hiệu các triều vua Bảo Đại, vua Tự Đức, nhưng chúng tôi không nêu thêm ở đây.
Văn bản sưu tầm từ ông Vi Hải Sung
Trong công trình của M.Ferlus cũng có những đoạn so sánh nhất định về hình thức ký tự giữa hệ chữ Lai- Tay đối với một số hệ chữ khác được cho là cận kề về phạm vi sử dụng, ví như các hệ chữ của người Thái nhóm Tay Thanh (man theng), hệ chữ Lai- Pao (liep nam); hoặc cả bên ngoài Việt Nam như Fakkham, Sukhothai...
Tuy vậy, theo nhận xét của các nghệ nhân có tên đã nêu, sự luận giải về cách sử dụng ký tự đặc biệt F'ANHA là cần được xem lại. Việc giới thiệu về ký tự XĂM-MO sử dụng với điệp từ cũng không được nêu.
Cuối cùng, do sự tiếp nhận của M.Ferlus có sự nhầm lẫn của ngay người dân bản địa nên M.Ferlus đã bỏ qua tất cả các trường hợp sử dụng trợ giúp của phụ âm vần -VO để tạo một loạt các vần quan trọng trong tiếng Thái vùng Qùy Châu (Nghệ An), đó là các vần -AO, -EO, -IU, -UÔI, -ƯU, -IÊU v.v...
Có thể nói rằng, do một sự nhầm lẫn vô tình mà có những ký tự của chữ Thái Qùy Châu suốt 20 năm nay đã bị "đi lạc" ra ngoài quỹ đạo của nó. Hoàn thiện được tất cả những điều này cũng là tạo cho những con chữ Thái cổ hệ Lai- Tay của dân tộc Thái vùng Qùy Châu (Nghệ An) một cơ hội để tiếp tục phát triển theo đúng con đường đã có từ xa xưa của nó./.

Tác giả: SẦM VĂN BÌNH
Địa chỉ: Yên Luốm, Châu Quang, Qùy Hợp, Nghệ An;
Email: sambinhct@gmail.com
Chú thích:
 (1). Nguồn:
(2). "Quy Chau Tai and Shan alphabets compared". Link:

(4). "A Tai script with Chinese style". Link:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét