Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Tương lai của chữ Thái ở Nghệ An là khá vững chắc


Thảo NguyênÔng có thể cho biết tình hình về chữ viết của các nhóm người Thái ở Nghệ An?

Sầm Văn Bình: Ở tỉnh Nghệ An có 3 nhóm cư dân dân tộc Thái, các nhóm đó có tên gọi theo tiếng địa phương là Tay Mương, Tay Thánh và Tay Mưởi.

Nhóm Tay Mương có lịch sử cư trú lâu đời nhất. Nhóm này sử dụng chữ Thái hệ Lai Tay (ở vùng đường 48) và chữ Thái hệ Lai Pao (ở vùng đường 7). Chữ Thái hệ Lai Tay có đặc điểm viết theo hàng dọc, ghép vần từ trên xuống dưới, đọc các hàng từ phải sang trái. Khoảng từ năm 1900- 1945, chữ Thái hệ Lai Tay được sử dụng ghi chép các văn bản hành chính ở vùng Phủ Qùy. Các văn bản này có đóng dấu triện của các triều vua Bảo Đại, vua Thành Thái, hoặc dấu của chính quyền Đông Dương tùy theo từng thời kỳ. Chữ Thái hệ Lai Pao có đặc điểm viết theo hàng ngang, được sử dụng trong dân chúng nhưng về sau bị rơi dần vào sự lãng quên.

Nhóm Tay Thánh có lịch sử chuyển cư từ Thanh Hóa vào từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhóm này cư trú rải rác ở các huyện trên cả hai tuyến đường 48 và đường 7. Nhóm Thái Tay Thánh sử dụng chữ Thái hệ Lai Thanh (cũng gọi là Xứ Thánh). Chữ Thái hệ Lai Thanh cũng viết theo hàng ngang như chữ Thái hệ Lai Pao, tuy nhiên trong cách thức ghép vần thì khác hẳn nhau.

Nhóm Tay Mưởi được cho là nhóm người Thái di cư từ Lai Châu, Điện Biên vào Nghệ An trước nhóm Tay Thanh. Nhóm này hiện chưa thấy đề cập đến chữ viết, họ cư trú rải rác và không hình thành được dấu ấn riêng nên đa phần họ bị đồng hóa vào nhóm Tay Mương…

Thảo Nguyên: Tại sao lại có sự khác nhau về chữ viết của các nhóm người Thái?

Sầm Văn Bình: Về bản chất chung, chữ viết của các nhóm Thái không khác nhau nhiều. Nếu đem các bảng chữ cái của các hệ chữ Thái xếp bên cạnh nhau thì sẽ phát hiện có khoảng 70% các ký tự có dạng thức gần giống nhau, khoảng 15% các ký tự na ná nhau nhưng do "cảm hứng" của những người truyền bá đầu tiên mà nó bị biến đổi đi, 15% còn lại rơi vào những ký tự mang tính quy ước riêng, địa phương, cục bộ…

Sở dĩ có những sự khác biệt như thế là do ngày trước, kể cả trong thời phong kiến, các vùng mường của người Thái khá tách biệt về địa lý, sự truyền bá chữ viết giữa mường này và mường khác dễ gặp phải sự "tam sao thất bản". Hơn nữa, toàn bộ các sách, tài liệu liên quan đến chữ Thái đều được viết tay, điều này làm cho hình thức các ký tự phụ thuộc vào kỹ năng của người viết.

Thảo Nguyên: Chữ Thái của ta so với chữ Thái của Thái Lan có gì giống và khác nhau?

Sầm Văn Bình: Chữ Thái ở Việt Nam, chữ Lào (chữ Lào chính là chữ Thái ở Lào), chữ Thái Lan, kể cả chữ viết của một số cộng đồng dân tộc Thái sống ở Myanma, Ấn Độ… đều dựa trên một cơ sở là chữ Sanskrit có nguồn gốc từ Ấn Độ. Vậy nên nếu nói so sánh chữ Thái ở Việt Nam với chữ Thái Lan thì sự khác biệt là không nhiều. Trong sự so sánh này cần phải cho cả chữ Lào "góp mặt" thêm thì mới có thể trọn vẹn.

Về cảm quan, chữ Thái Lan đã được thiết kế font, lựa chọn font theo một sự chuẩn hóa nhất định theo yêu cầu của chữ viết quốc gia. Do vậy chữ Thái Lan có dáng vẻ cứng rắn, khỏe khoắn…, phù hợp với sự chuyển tải tất cả các nội dung về văn chương, khoa học, pháp luật, v.v… Tiếng Thái Lan có nhiều âm vần hơn tiếng Thái ở Việt Nam nên số ký tự trong bảng chữ cái Thái Lan cũng nhiều hơn.

Chữ Lào cũng được thiết kế font, lựa chọn font theo sự chuẩn hóa nhất định của chữ viết quốc gia. Tuy nhiên, các font chữ Lào được thiết kế trên nền họa của chữ Lào Hoàng Gia (thường được dùng trong các cuốn ghi chép Kinh Phật). Vậy nên chữ Lào thiên về các nét lượn tròn, mềm mại. Tiếng Lào có nhiều âm vần hơn tiếng Thái ở Việt Nam nên số ký tự trong bảng chữ cái Lào cũng nhiều hơn.

Chữ Thái ở Việt Nam hiện đang được thiết kế nguyên vẹn từ các nét chữ viết tay nên mang các nét trung gian giữa chữ Lào và chữ Thái Lan. Các âm vần tiếng Thái ở Việt Nam cũng có số lượng vừa phải do bị giảm đáng kể do sự giao thoa với tiếng Việt…

Thảo Nguyên: Ông có tìm hiểu về quá trình mai một của chữ Thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An? Có những nguyên nhân nào, và nguyên nhân nào là cơ bản nhất?

Sầm Văn Bình:Ở huyện Qùy Châu, trong một văn bản ghi chép viết bằng chữ Thái hệ Lai Tay có ghi tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy rằng, ít nhất là trong những năm 1945- 1950 chữ Thái hệ Lai Tay vẫn được sử dụng khá bình thường.

Chữ Thái ở Nghệ An chỉ có thể bắt đầu quá trình mai một vảo năm 1954, cùng với phong trào cải cách ruộng đất, đả phá địa chủ… Các cuốn sách chữ Thái (chưa nói đến các sắc phong bằng chữ Thái) thường thuộc về những gia đình khá giả. Họ có điều kiện cho con cái học tập và lưu giữ sách cổ, họ có của cải, đất đai. Từ đó vô tình sách chữ Thái bị coi là "tài sản của địa chủ", và để lưu giữ được đôi ba văn bản bằng chữ Thái, người ta phải giấu giếm rất khổ sở.

Ngay tại thời điểm từ năm 2005- 2010, trong quá trình đi tìm xem lại các văn bản chữ Thái cổ ở trong dân, một số gia đình vẫn còn sợ sệt, e dè và yêu cầu không được đưa thông tin về gia đình lên báo…

Thảo Nguyên: Rõ ràng là chữ viết có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng tộc người và cả quốc gia dân tộc. Ông đánh giá thế nào về thực trạng mối quan hệ này qua trường hợp chữ Thái – tộc người/ dân tộc Thái ở Nghệ An trong mấy chục năm qua?

Sầm Văn Bình: Người Thái theo quan niệm đa thần, ngay bản thân một con người dân tộc Thái cụ thể vẫn được chia thành hai phần: hồn vía và thể xác.

Có thể nói, chữ Thái (cùng với các giá trị tinh thần khác) chính là hồn vía của dân tộc Thái. Dân tộc Thái khi buộc phải bỏ rơi một phần hồn vía của mình thì họ luôn như thấy hiện diện một nét u ám trong đời sống cộng đồng. Kể cả khi điều kiện kinh tế đã được nâng cao, một số người Thái vẫn nhận diện được "nét u ám" này ngay trong cuộc sống sung túc của họ. Rất may là trong 10 năm trở lại đây, những người muốn biết, muốn học chữ Thái đã có điều kiện để tìm lại, lưu giữ lại "hồn vía" của dân tộc mình.

Thảo Nguyên: Xin đề nghị ông cho biết về những nỗ lực nghiên cứu và phổ biến chữ Thái trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

Sầm Văn Bình: Trước năm 2008, những nỗ lực nghiên cứu và phổ biến chữ Thái hoàn toàn mang tính cá nhân, tự phát, đơn lẻ. Từ năm 2008, một vài người có kiến thức về chữ Thái ở Nghệ An như các ông Vi Ngọc Chân (Qùy Châu), Lô Khánh Xuyên (Quế Phong), Vi Khăm Mun (Tương Dương), Sầm Văn Bình (Qùy Hợp) đã được tham gia trong mạng lưới "Bảo tồn và phát triển Tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam" (VTIK). Việc tham gia mạng lưới này đã đưa việc nghiên cứu và phổ biến chữ Thái ở Nghệ An đi theo một hướng chung với các địa phương khác trong cả nước. Các thành viên khi tham gia hoạt động trong nhóm này đã tránh được những việc mang tính cục bộ, những nỗ lực có thể dẫn đến kết quả trùng lặp, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…

Việc nghiên cứu và phổ biến chữ Thái đã chuyển từ sự tự phát trong cộng đồng sang các hoạt động nằm trong kế hoạch kinh tế- xã hội của địa phương.

Thảo Nguyên: Những thuận lợi và khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu và phổ biến chữ Thái trong thời gian vừa qua?

Sầm Văn Bình: - Thuận lợi:

+ Người dân hào hứng tham gia, khuyến khích con cháu theo học và tạo điều kiện cung cấp các văn bản cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu chữ Thái.

+ Nhà nước đã có các chính sách kịp thời trong việc khuyến khích gìn giữ, bảo tồn chữ Thái cũng như các giá trị văn hóa khác.

+ Việc nghiên cứu, phổ biến được sự hỗ trợ rất lớn của các phương tiện truyền thông. Mạng internet phát triển khắp nơi cũng giúp cho việc nghiên cứu, phổ biến và quảng bá được thuận lợi.

- Khó khăn:

+ Những người truyền dạy chữ Thái đa phần là tự phát, không được đào tạo về kiến thức, kỹ năng sư phạm.

+ Không có các tài liệu truyền dạy chữ Thái. Các tài liệu học chữ Thái đều được soạn thảo theo kinh nghiệm mà chưa có cơ sở sư phạm cần thiết.

- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nghiên cứu và phổ biến chữ Thái rất khó tiếp cận; hoặc tiếp cận được cũng trải qua rất nhiều thủ tục giấy tờ rắc rối hoặc chịu nhiều thất thoát, dễ gây nản lòng.

Thảo Nguyên: Từ thực tiễn và kinh nghiệm nghiên cứu, phổ biến chữ Thái của mình, ông nhận định gì về Tương lai của chữ Thái ở Nghệ An? Để cho tương lai đó được đảm bảo, theo ông, nó cần những gì?

Sầm Văn Bình: Riêng ở địa bàn tỉnh Nghệ An, tương lai của chữ Thái ở Nghệ An là khá vững chắc. Về một số mặt, chữ Thái Nghệ An còn có sự phát triển đáng kể hơn so với các địa phương khác.

Chữ ở Thái Nghệ An mới bắt đầu được khơi lại từ năm 2006, thì nay sau 10 năm đã có được một số kết quả tạm nêu như sau:

- Hàng chục bài viết nghiên cứu về chữ Thái Nghệ An đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo ở trong nước và ngoài nước (chủ yếu là Thái Lan, tiếp theo là Hoa Kỳ, Nhật Bản).

- Các đề tài, dự án nghiên cứu và biên soạn tài liệu cho chữ Thái Nghệ An đã và đang được thực hiện. Có đề tài, dự án nghiên cứu về chữ Thái Nghệ An đã được nghiệm thu và được triển khai rộng rãi để người dân được hưởng thụ.

- Chữ Thái Nghệ An đã được đưa vào dạy tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, học viên sau khi học được cấp chứng chỉ có giá trị ngang bằng với các chứng chỉ ngoại ngữ khác.

- Chữ Thái Nghệ An đã được thiết kế thành nhiều font, đưa lên mạng internet, được sử dụng trên báo "Nghệ An Cuối tuần", được sử dụng trên các tựa đề video, băng rôn, khẩu hiệu, quảng cáo.  

- Chữ Thái Nghệ An cũng được sử dụng trong các đền thờ (Đền Chín Gian), sử dụng viết câu đối treo trong nhà người dân, v.v…

Tôi đề xuất thêm:

- Ban dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có Chính sách hỗ trợ về bảo tồn và phát triển chữ Thái với một vài đặc thù riêng để người dân dễ tiếp cận hơn.

- Trong đề xuất hàng năm về các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học do Sở khoa học Công nghệ Nghệ An phê duyệt cũng nên có sự quan tâm hơn cho các đề tài nghiên cứu về chữ viết và ngôn ngữ Thái.

- Đề xuất với Hội Văn nghệ Dân gian, Hội Liên hiệp VHNT và các nhà xuất bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong kế hoạch phê duyệt tác phẩm, in ấn hàng năm nên quan tâm hơn đến mảng tác phẩm trình bày song ngữ bao gồm cả tiếng Thái và chữ Thái.

- Trong việc quy định hoạt động và phân bổ kinh phí cho các Trung tâm học tập Cộng đồng ở xã, Phòng Giáo dục tại các huyện nên có thêm quy định liên quan đến việc dạy và học chữ Thái tại các TTHTCĐ để tạo điều kiện cho bà con địa phương theo học cũng như cơ hội tăng thu nhập cho các nghệ nhân tham gia truyền dạy…

Thảo Nguyên: Cám ơn ông. Chúc ông có nhiều thành công mới trong sự nghiệp nghiên cứu và phổ biến chữ Thái.

Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 329, ngày 25/ 11/ 2016

1 nhận xét:

  1. xin chào. Bạn có thể cho mình xin font Thái Lai Pao được không ạ?

    Trả lờiXóa