Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Lịch sử phủ Quỳ Châu xưa qua một văn bản chữ Thái.





Trong sử sách Nghệ An xưa, Quỳ Châu và Tương Dương là hai phủ ở miền Tây Nghệ An. Sách "Đại Nam nhất thống chí" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, khắc in vào năm 1909 đời vua Duy Tân có chép về phủ Quỳ Châu:
"Phủ Quỳ Châu (…) xưa là đất Diễn Châu. Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13, tách đặt làm châu, trước lệ vào phủ Diễn Châu, năm thứ 15 đổi lệ phủ Thanh Hoá, đời Lê Quang Thuận đổi lệ vào Nghệ An thừa tuyên, nguyên trước lãnh hai huyện Thuý Vân và Trung Sơn (…); năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đổi huyện Trung Sơn làm huyện Quế Phong; năm thứ 21 (1840) đem huyện Nghĩa Đường mới đặt, lệ vào phủ này. Nay lãnh 3 huyện:
- Huyện Quế Phong: ở phía Tây phủ… Đời Lê là huyện Trung Sơn; bản triều năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đổi tên hiện nay, trước đó phủ kiêm lý. Nay lãnh 4 tổng, 16 xã thôn.
- Huyện Thuý Vân: ở phía Tây phủ… Đời Lê Quang Thuận mới đặt lại huyện này; bản triều (triều Nguyễn) vẫn theo như thế, đặt tri huyện; năm Tự Đức thứ 3 do phủ kiêm lý. Nay lãnh 5 tổng, 30 xã thôn.
- Huyện Nghĩa Đường: Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) trích đất 7 tổng huyện Quỳnh Lưu và 1 tổng của huyện Yên Thành đặt huyện này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì bỏ tri huyện do phủ kiêm lý. Nay lãnh 8 tổng, 49 xã thôn."
Như vậy cho dù sách "Đại Nam nhất thống chí" được khắc in vào năm 1909 nhưng chỉ nêu được những thông tin về lịch sử phủ Quỳ Châu đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XIX.
Và theo sách "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" thì "Phủ hạt (Quỳ Châu) ở phía Tây Bắc thành tỉnh. Phủ kiêm lý ba huyện Nghĩa Đàn, Thuý Vân và Quế Phong".
- Huyện Thuý Vân có 5 tổng: Tào Khê (có 3 xã: Tào Khê, Thịnh Giai, Nghênh Tiên), Quỳ Dương (có 1 xã: Quỳ Dương), Quang Phong (có 3 xã: Quang Phong, Phụ Thành, Bàng Tuấn), Truyền Nham (có 3 xã: Truyền Nham, Tiến Lộc, Diên Lãm), Đồng Lạc (có 3 xã: Đồng Lạc, Đắc Lộc, Tri Lễ).
- Huyện Quế Phong có 4 tổng: 1. Hữu Đạo (có 4 xã: Hữu Đạo, Gia Hội, Thanh Nga, Thọ Sơn), 2. Vân Tập (có 4 xã: Vân Tập, Hạnh Dịch, Hữu Văn, Đồng Văn), 3. Thanh Xuyên (có 4 xã: Thanh Xuyên, Hợp Cát, Kim Giám, Xa Trục), 4. (?).
- Huyện Nghĩa Đường có 8 tổng: Cự Lâm, Hạ Sưu, Thuần Hàm (Xân Ham), Phác Lộ, Đường Khê, Lâm La, Nhiêu Hợp, Nghĩa Hưng, (Đàn Lâm). Năm 1886, kỵ huý Đồng Khánh, huyện Nghĩa Đường đổi tên thành Nghĩa Đàn.
Sách "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" đã cho ta biết thêm về cương vực địa giới hành chính trong giai đoạn lịch sử khoảng 50 năm về sau so với "Đại Nam nhất thống chí".
Tất cả những đoạn trích lược trên đây đều được lấy trong sách "Địa chí huyện Quỳ Hợp" (nxb. Nghệ An, 2003). Thế nhưng trong cuốn này, các tác giả vẫn đang còn băn khoăn: "…Song vì huyện Nghĩa Đường, sau đổi là Nghĩa Đàn vốn nằm trong phủ Quỳ Châu, đến cuối đời Thành Thái (?) triều đình Huế mới tách Nghĩa Đàn thành một huyện riêng, đứng ngang hàng với các phủ, huyện khác trong tỉnh, không bị phủ Quỳ Châu kiêm lý… "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" ắt phải ra đời vào thời Đồng Khánh (1886- 1889)". Vậy là cho đến đây các tác giả vẫn chưa thể biết được việc "tách Nghĩa Đàn ra thành một huyện riêng" được thực hiện cụ thể vào lúc nào, các diễn tiến khác sau đó ra sao?...
Trên tạp chí "Văn hoá Nghệ An" chúng tôi đã hơn một lần nhắc đến một văn bản bằng chữ Thái cổ hệ Lai- Tay, rằng: "Năm 2002 trong đợt làm việc với Giáo sư Trần Trí Dõi- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng Giáo sư M. Ferlus- Trường Cao học về các khoa học xã hội Paris- Pháp, Giáo sư M. Ferlus đã giới thiệu một văn bản bằng chữ Thái do ông sưu tầm được và mang từ Paris sang"… Trong văn bản này cũng có phần ghi chép quan trọng về lịch sử phủ Quỳ Châu trong giai đoạn (ước chừng) từ năm 1880- 1910. Đây cũng có thể là văn bản bằng chữ Thái duy nhất (cho đến bây giờ) ghi chép về lịch sử phủ Quỳ Châu, và cả một đoạn ghi chép chi tiết về tập tục thờ cúng ở Đền Chín Gian. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin được đề cập đến những nét chính liên quan đến lịch sử phủ Quỳ Châu. Chúng tôi cũng không giới thiệu phần văn bản chữ Thái và phần phiên âm tiếng Thái để tránh dài dòng không cần thiết. Sau đây là phần lược trích và diễn giải từ nội dung văn bản sau khi dịch ra tiếng phổ thông:
"Chính phủ Qùy Châu từ tổ tiên lưu truyền lại, trong phủ chia làm 3 huyện: huyện Thúy Hà (Tức là Thuý Vân- chúng tôi chưa tìm hiểu được tại sao lại có sự thay đổi về tên gọi này- SVB.), huyện Quế Phong, huyện Nghĩa Đàn.
- Huyện Thúy Hà: gồm 5 tổng và 13 xã. Tổng Đồng Lạc gồm 3 xã: xã Đồng Lạc, xã Đắc Lộc, xã Tri Lễ. Riêng xã Tri Lễ một phía giáp ranh với huyện Sầm Tớ (nước Lào), một phía giáp phủ Tương Dương.
Tổng Tào Khê: gồm 3 xã- xã Tào Khê, xã Nghinh Tiến (xã Nghênh Tiên), xã Thịnh Gia.
Tổng Quang Phong: gồm 3 xã- xã Quang Phong, xã Bằng Tuấn, xã Phủ Thánh.
Tổng Truyền Nham: gồm 3 xã- xã Truyền Nham, xã Tiên Lộc, xã Diên Lãm. Riêng Diên Lãm phần đất giáp sang phủ Tương Dương.
Tổng Qùy Dương: nhất tổng nhất xã.
- Huyện Quế Phong: gồm 4 tổng và 14 xã.
Tổng Hữu Đạo: gồm 4 xã- xã Hữu Đạo, xã Gia Hội, xã Thanh Nga, xã Thọ Sơn.
Tổng Thanh Xuyên: gồm 3 xã- xã Thanh Xuyên, xã Tri Phố, xã Việt Phú(Trong "Địa chí huyện Quỳ Hợp"  trích dẫn "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" ghi tổng Thanh Xuyên gồm 4 xã- xã Thanh Xuyên, xã Hợp Cát, xã Kim Giám, xã Xa Trục [?]).
Tổng Quang Liên: gồm 3 xã- xã Quang Liên, xã Kiếm Diêm, xã Hiệp Cát. Kiếm Diêm và Hiệp Cát giáp huyện Sầm Tớ nước Lào. (Trang 20 "Địa chí huyện Quỳ Hợp" ghi: huyện Quế Phong có 4 tổng, nhưng chỉ liệt kê được 3 tổng là Hữu Đạo, Thanh Xuyên, Vân Tập; bỏ sót mất tổng Quang Liên [?]).
Tổng Vân Tập: gồm 4 xã- xã Vân Tập, xã Hạnh Dịch, xã Xích Văn, xã Bính Đạo (Trong "Địa chí huyện Quỳ Hợp" trích dẫn "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" ghi tổng Vân Tập gồm 4 xã- xã Vân Tập, xã Hạnh Dịch, xã Hữu Văn, xã Đồng Văn[?]).
- Huyện Nghĩa Đàn- gồm 9 tổng: tổng Xân Ham (Thuần Hàm), tổng Phạc Lồ (Phác Lộ), tổng Hà Thưu (Hạ Sưu), tổng Nghĩa Hưng, tổng Nhiêu Hạp (Nhiêu Hợp), tổng Lâm La,tổng Đàn Lâm, tổng Thạch Khê (Đường Khê), tổng Cựu Lâm (Cự Lâm). (Trong "Địa chí huyện Quỳ Hợp"  trích dẫn "Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược" ghi huyện Nghĩa Đàn chỉ có 8 tổng, không có tổng Đàn Lâm[?]. Tên các tổng trong phần trích dẫn này được đặt trong ngoặc).
Nguyên vua Thành Thái năm thứ 19, nhà nước cho Phủ Qùy chia thành 2 hạt. Trước đây được chia làm 3 huyện: huyện Thúy, huyện Quế, huyện Nghĩa- ba huyện ấy thuộc Phủ Qùy. Bây giờ huyện Nghĩa Đàn có tri huyện riêng trực thuộc tỉnh. Huyện Nghĩa Đàn trước đây có 9 tổng... Bây giờ cắt 2 tổng là Xân Ham và Phạc Lồ nhập vào phủ Qùy Châu. Thế là huyện Nghĩa Đàn còn lại 7 tổng, phủ Qùy Châu có 11 tổng.
Trước đây phủ Qùy Châu các cai tổng, lý trưởng chỉ dùng con dấu khắc bằng gỗ. Nhưng đến vua Duy Tân năm thứ 15 nhà nước Pháp cho dấu đồng. Phủ Qùy Châu chuyển lên Bản Pòn (nay thuộc xã Châu Hạnh, huyện Qùy Châu) rồi cho lập một đồn quan bên cạnh phủ, còn Phủ Qùy cũ trước đây thì làm việc tại huyện Nghĩa Đàn. Còn huyện Nghĩa Đàn hiện tại nhà nước lập một đồn quan đại lý để trông coi phủ Qùy Châu và huyện Nghĩa Đàn, để có việc gì phải báo cáo lên quan đại lý.
Trước đây… Phủ Qùy được chia làm 3 huyện, mỗi huyện có tri huyện riêng; huyện nào cũng có dấu riêng, có việc gì phải tâu lên tri phủ. Bây giờ nhà nước không thành lập huyện nữa, tri phủ Qùy Châu trông quản 11 tổng, đó là: tổng Xân Ham, tổng Phạc Lồ, tổng Tạo Khê, tổng Đổng Lạc, tổng Tiến Nham, tổng Quang Phong, tổng Qúy Dương, tổng Hữu Đạo, tổng Thanh Xiên, tổng Quang Liên, tổng Vân Tập. Tất cả thuộc phủ Qùy Châu. Riêng huyện Nghĩa Đàn còn lại 7 tổng… Từng ấy tổng do tri huyện Nghĩa Đàn cai quản, và kể cả chợ Hiếu.
Nguyên phủ Qùy Châu trước đây, triều đình cho tri phủ đặt tại tổng Cửu Lâm, tri phủ là người Kinh. Đến vua Hàm Nghi năm thứ nhất trong phủ loạn giặc Xá đến đốt phá, dân chạy lánh nạn hết, tri phủ lúc ấy cũng chạy loạn, bỏ phủ. Khi đó xưa đời ông phủ cố tên Sầm Văn Hào đang đương chức tri huyện Thúy và huyện Quế, ông ấy mới báo cáo cho nhà nước, nhà nước mới cho binh lính, súng đạn. Rồi ông chiêu mộ thêm binh lính đi đánh giặc Xá, đánh tan giặc Xá ông trình thư lên triều đình. Triều đình mới ban cho ông phủ cố làm tri phủ Phủ Qùy. Làm được 2 năm thì ông ấy qua đời. Sau đó nhà nước lại cử một quan người Kinh làm tri phủ, làm được một năm thì bố ông ấy mất, ông ấy phải về quê ở khó cho bố. Lúc ấy triều đình cử con trai ông phủ cố là Sầm Văn Văn làm tri phủ phủ Qùy Châu, sau đó mẹ ông ấy lại qua đời, lại phải về quê lo việc tang cho mẹ.
Triều đình lại cử ông Hoàng người Kinh lên làm tri phủ. Ông làm việc được 2 năm thì mắc dân kiện, nhà nước cách chức không cho làm tri phủ nữa. Lúc bấy giờ nhà nước mới chỉ thị cho các quan tri huyện, phủ xuống tại tỉnh để bầu tri phủ. Khi đó có Sầm Văn La là quan thứ huyện Thúy mới đưa bạc cho quan Một rồi quan Một xin thưa với quan tỉnh, quan tỉnh mới bầu cho Sầm Văn La làm tri phủ. Làm tri phủ được 5 năm thì ông ấy không hợp ý với quan Đại Lý, quan Đại Lý mới thưa với quan tỉnh rồi quan tỉnh mới cách chức ông tri phủ ấy và thông báo cho các tổng biết là nhà nước không cho ông tri phủ ấy làm việc nữa.
Lúc đó triều đình lại cử ông tri phủ cũ là Sầm Văn Văn lên làm tri phủ. Còn tri huyện 3 huyện là: huyện Nghĩa Đàn là ông Trương Văn Nhiêu; huyện Thúy Vân là ông Sầm Văn La; huyện Quế Phong là ông Sầm Văn Mốc. Ba ông tri huyện ấy mới bày mưu kế xuống kiện ông quan phủ Văn tại tỉnh. Rồi quan tỉnh bắt tri phủ Văn xuống giam tại tỉnh 3 năm. Lúc ấy quan tỉnh lại cử ông Vũ Văn Bập người Kinh lên làm tri phủ Phủ Qùy, làm được 3 năm bố ông lại mất, ông lại phải về lo việc tang cho bố. Lúc ấy quan tỉnh, quan Thúy lại cử ông Phạm Tân lên làm tri phủ, làm được một năm rồi nhà nước chia Phủ Qùy thành phủ Qùy Châu và huyện Nghĩa Đàn. Phủ Qùy Châu đóng tại Bản Pòn kèm theo một đồn quan Một, còn Phủ Qùy cũ thì huyện Nghĩa Đàn lấy làm huyện lị.
Phủ Qùy Châu mới do ông Sầm Văn La làm tri phủ, ông ấy làm được 4 năm không có việc gì (xảy ra), mọi người dân ai ai cũng tin tưởng. Nhưng Sầm Văn Phòng mua được một cây quế to trong rừng rồi ông ấy bán cho quan Đại Lý hai nghìn năm trăm đồng bạc trắng, nhưng quan Đại Lý không có bạc trả cho Sầm Văn Phòng. Rồi quan Đại Lý mới tâu với quan thứ xin cho Sầm Văn Phòng làm tri phủ Qùy Châu.
Còn việc sưu thuế cứ mỗi nhà hai đồng hai hào bạc trắng. Tổng hợp tất cả sưu, thuế, công ích là mỗi nhà hai đồng sáu hào bạc trắng. Rồi mỗi nhà mỗi năm đi làm việc cho nhà nước 4 ngày. Nên phải ghi chép vào sách này để lưu truyền mai sau.”
Ngày 22 tháng 10 năm 1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chia phủ Quỳ Châu thành hai đơn vị hành chính là phủ Quỳ Châu và huyện Nghĩa Đàn. Văn bản này không đề tên người ghi chép, nhưng nội dung cho thấy thời điểm chép văn bản là sau việc chia tách này. Thông qua việc người dân ghi chép lại lịch sử địa phương mình thì các yếu tố chân thực và chi tiết có thể được ghi nhận. Văn bản này cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo khi soạn thảo lịch sử, địa chí của các địa phương nằm trong vùng phủ Quỳ Châu xưa.
Ngày 19 tháng 4 năm 1963, theo Quyết định số 53/ CP của Thủ tướng Chính phủ, phủ Quỳ Châu được chia thành 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp…
Sầm Văn Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét