Ca dao dân tộc
Thái ở Nghệ An có một khối lượng khá đồ sộ và phong phú. Với sự phản ánh sinh
động, hấp dẫn về phong cảnh bản mường giàu đẹp, tình yêu nam nữ thiết tha, quan
hệ hôn nhân, gia đình và xã hội, ca dao dân tộc Thái ở Nghệ An được thể hiện
trên nhiều cung bậc cảm xúc của người dân thông qua các làn điệu diễn xướng như
"nhuôn, xuối, òn, khắp"… Ngoài ra, với những nhận định về thời tiết
và phản ánh đời sống lao động sản xuất, đồng bào cũng lưu giữ và truyền lại cho
các thế hệ sau những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn sản xuất và đấu tranh
với thiên nhiên từ bao đời nay.
Người Thái ở
Nghệ An chủ yếu cư trú tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Tập quán cư trú
của người dân là thường định cư dọc theo ven bờ của các sông suối, vừa làm
ruộng nước lại vừa phát rẫy trồng lúa nương. Đi đến các bản mường của người
Thái, thấy ở đâu cũng mang đậm những nét đẹp trữ tình và thơ mộng, chứ không
mang những nét hùng vĩ như ở vùng Tây Nguyên. Từ những đặc điểm này, ca dao dân
tộc Thái có khá nhiều câu, nhiều đoạn ca ngợi cảnh sắc quê hương, bản mường, từ
đó làm cho người dân thêm yêu thêm quý nơi tổ tiên của mình đã khai khẩn, dựng
xây để gìn giữ cho những nét đẹp đó được lưu truyền mãi mãi.
Ở huyện Qùy
Châu, mường Chiêng Ngam được tả trong ca dao với những câu "Mường Chiêng Ngam đất chùng trời thấp/ Trời
sáng ra thấy đâu đâu cũng bằng phẳng", người đọc thấy ở miền núi ít
nơi nào có được vẻ đẹp no ấm của mường Chiêng Ngam. Khác với nơi đây, mường
Quang ở Quế Phong lại có nhiều núi đá: "Đường mường Quang đá nhám lèn vây/ Cất bước lên đầu gối vấp đá"...
Hay cảnh ở trước cửa hang Thằm Mẻ Mọn "Vách
đá dựng xung quanh núi bọc/ Đá trên lèn lấp lánh tựa sao". Mặc dù
thiên nhiên, cảnh vật quê hương có nhiều nét tươi đẹp, nhưng người dân có nơi
vẫn phải vô cùng nỗ lực để đảm bảo cho sự tồn tại của mình: "Đường đi trên
núi đá phải bắc thang dê", hay như "Ruộng đồng ở trên ngọn cây săng lẻ/ Muốn có nước cấy phải mất trâu (để
thuê người đắp phai)"… Và trên hết, cùng với những lời hát về phong
cảnh bản mường, về công việc, về ruộng nương, sông suối v.v…, không ở đâu người
dân không gắn tình cảm của mình vào trong những câu hát. Và những câu hát đẹp
nhất về bản mường là những câu nêu bật được sự gắn kết không tách rời giữa tính
cần cù, chăm chỉ của chủ nhân, sự khéo léo, tinh tế của bàn tay con người với
cảnh sắc thiên nhiên, cây cối, ruộng nương: "Mỗi cây dâu được một cuộn tơ/ Mỗi cây bông được vải 20 sải",
hay như: "Áo vắt cành cây đa như
được nhuộm sẵn màu chàm"…
Bên cạnh những
câu ca dao hát về bản mường, tất nhiên là cũng có những câu hát về thời tiết,
về kinh nghiệm trong lao động sản xuất: "Tối chân trời, sáng đỉnh trời/ Em gái đi đường đừng buông lá cọ",
và như "Kiến chuyển trứng lên gốc gỗ
mục/ (sẽ) Mưa khắp mường trời"…
Mảng dân ca,
ca dao được hát lên nhiều nhất, và chiếm phần đa số về nội dung thể hiện, chính
là mảng về tình yêu nam nữ, quan hệ hôn nhân, gia đình xã hội. Cũng như với đặc
điểm về ca dao, dân ca của các dân tộc khác, bên cạnh rất nhiều những lời hát
ca ngợi tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng, cũng luôn xuất hiện không ít
những lời ca dao với nội dung phê phán những thói hư tật xấu…
Tuy vậy, việc
làm cho ca dao, dân ca dân tộc Thái thực sự ngấm vào tim của mỗi con người
chính là ở cách sử dụng những trạng thái tiếc nuối, giận hờn, trách móc, than
vãn luôn được đan xen trong những câu hát đó. Trang thái tình cảm này được thể
hiện phổ biến và rõ rệt nhất là ở những câu được trình bày theo làn điệu
"xuối". Những người hát "xuối" thường hát trong lúc đi làm
ruộng, làm nương. Họ hát cho một mình mình nghe hoặc nhắm đến một đối tượng
người nghe "nào đó" ở triền núi, hay khoảng nương, mảnh ruộng kế bên,
để trao gửi, chuyển tải một nội dung mang tính ẩn ý, ước lệ giữa người hát và
người nghe… "Anh yêu em cái chân
chưa đụng/ Ta yêu nhau, tay ta chưa chạm/ Mắt anh gặp mắt em/ Ta liếc nhìn nhau";
và đây lời nhắc nhở của cô gái: "Anh
hãy đừng làm như chuối chín ruột/ Vỏ ngoài còn xanh/ Khéo có ngày không thành
xin chàng cũng đừng trách/ Kẻo đuổi mất em"; hoặc nghe ở đây như thấy
lời than vãn của chàng trai: "Anh
biết lo thế nào cho trọn?/ Biết liệu thế nào cho xong?/ Khéo rồi anh phải đến
khóc dọc bờ rào/ Chui qua lỗ lợn ủi nên chăng?"; hay như: "Không ngờ chị mình bỏ mất nồi canh thịt/ Ăn
chẻo rau Pha/ Bỏ mất nồi canh cá/ Ăn chẻo rau Càn/ Bỏ mất người tình cùng bản
từ nhỏ/ Yêu trai đường xa".
Dù không được
đề cập thì hầu như ai cũng biết, rằng có một số lượng khá lớn các câu dân ca về
tình yêu nam nữ được trích dẫn, hoặc là một đoạn dị bản của truyện thơ
"Xống chụ xon xao" nổi tiếng. Người Thái Nghệ An từ xưa đã rất quen
thuộc với các câu hát với nội dung như: "Anh cũng muốn ăn mía/ Mía còn đương đỏ/ Chàng cũng muốn ăn dưa/ Dưa hãy
còn non/ Muốn chơi với bông hoa/ Tóc còn chưa chấm mắt". Nhiều người
từng lầm tưởng câu hát này được trích từ "Xống chụ xon xao", nhưng
thực ra thì không phải, và nó đã tồn tại như một lẽ đương nhiên trong sinh hoạt
tình cảm của trai gái Thái…
Như đã đề cập,
ngoài nội dung ca ngợi tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng cũng được đề cập ở
một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, do phong tục cưới hỏi của người Thái ngày xưa
không tách bạch chuyện cưới hỏi và xây dựng gia đình (chàng trai đến ở rể nhà
gái có thể đến vài năm, nhiều trường hợp hai vợ chồng đã có mấy mặt con rồi mới
tổ chức làm lễ cưới), cho nên tình nghĩa vợ chồng và tình yêu nam nữ có phần
đan xen với nhau về nội dung thể hiện. Tuy nhiên những phần mang nội dung phê
phán, chê bai… lại khá rõ ràng, ví như: "Lồng vịt không biết cài, Lồng gà
không biết đan, Đường rìu không biết đẽo, Vợ bé thì muốn lấy bảy cô"; hoặc
như: "Chồng kéo lại vợ co (chăn), Bỏ con nhỏ ở bên ngoài chết rét"…
Thời nay, các
sinh hoạt diễn xướng, hát dân ca của người Thái Nghệ An sau một vài chục năm
trầm lắng đã có những bước hồi sinh cơ bản theo hướng hòa nhập với "không
gian mới". Không gian mới ở đây là các sinh hoạt cộng đồng do UBND xã, Ban
cán sự xóm bản tổ chức, các sinh hoạt trong Lễ hội truyền thống, v.v… Các nghệ
nhân hát dân ca "nhuôn xuối" cũng được tạo điều kiện để truyền dạy
lại cho các thế hệ sau. Đây đó, có dịp ta vẫn nghe tiếng sáo nhuôn hoặc các lời
hát dân ca "nhuôn xuối" được cất lên trong khung cảnh bản mường hôm
nay…
Sầm Văn Bình (Báo Nghệ An Cuối tuần, Chyên trang Miền
núi- Dân tộc số 811 ngày 2/ 11/ 2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét