Người Thái ở Nghệ An bao
gồm các nhóm Tày Mường (còn gọi là Tày Chiềng, Hàng Tổng), Tày Thanh, Tày Mười.
Đặc điểm về tấm váy của người phụ nữ Nghệ An được nêu trong bài viết này cơ bản
là liên quan đến nhóm Thái Tày Mường- còn các nhóm Thái khác xin được đề cập
đến ở một số bài viết khác khi có dịp... Nói chung, phụ nữ dân tộc Thái ở miền
Tây Nghệ An thường hay thêu hình rồng trên váy. Một chiếc váy nhuộm chàm được
phân chia thành hai phần rõ rệt: phần cao hơn được để nguyên với màu chàm đặc
trưng, còn phần thấp hơn được thêu thùa rất cẩn thận, công phu và trang trí
bằng các hình ảnh hoặc đường nét phần nào mang tính cách điệu. Các hình đó có
thể là những đường nét khó hiểu, cần phải đầu tư thời gian và công sức mới có
thể tìm ra ý nghĩa của chúng; đó cũng có thể là hình của một vài loại lá cây
quen thuộc như lá cau, lá dừa, lá rau bợ...; đó cũng có thể là hình ảnh của
bông hoa, của mặt trời...; đó cũng có thể là hình tượng các con vật như hươu,
nai, hổ, voi, và cả hình tượng rồng...
Con rồng được coi là một
con vật vừa ly kỳ, vừa bí hiểm, vừa dáng sợ, vừa đáng yêu đối với người Thái.
Nhiều công trình nghiên cứu cũng như các loại tài liệu và sách vở dã từng đề
cập đến hình tượng rồng của các triều đại phong kiến ở nhiều nơi trên thế giới,
nhất là ở các nước phương Đông. Những con rồng đó được in thêu trên áo hoàng
bào của các bậc vua chúa, được đúc thành tượng đá uy nghi, được đặt lên trên
nóc các đình làng, đền miếu. Những con rồng đó được đưa vào truyện cổ tích, đọ
sức với các dũng sĩ danh tiếng, lặn xuống đất sâu, bay bổng trên không trung,
vờn mây uốn lượn, hô phong hoán vũ... Thế nên nếu nói đến việc đưa hình ảnh con
rồng vào gắn kết với sắc phục trên tấm váy của người phụ nữ, ở một triều đại,
một thời kỳ, tại một nơi nào đó- rất có thể sẽ bị coi là một việc phạm vào
trọng tội. Vậy mà nhiều phụ nữ Thái ở tỉnh Nghệ An suốt cả ngàn năm nay, đã gắn
bó, đã nâng niu, đã chăm chút tô điểm cho từng đường nét của con rồng trên
trang phục của họ.
Theo sự cảm nhận chung
trong cộng đồng người Thái, họ cho rằng hình ảnh cầu vồng xuất hiện trên không
trung cũng chính là hình ảnh một con rồng. Họ gọi cầu vồng bằng tên gọi “ngược
húng”, đương nhiên coi cầu vồng nằm trong nhóm loài của rồng. Thậm chí cái bóng
mờ mờ bên cạnh cầu vồng còn được người Thái gán cho tên gọi là “vợ cầu vồng-
rồng”- bởi chưng e lệ mà không dám hiện
rõ trên nền trời... Người phụ nữ Thái cũng như phụ nữ các dân tộc khác vốn ưa
sắc màu nên họ mê mẩn chiêm ngưỡng và thán phục sắc đẹp huyền ảo, lung linh của
cầu vồng. Bởi thế, họ gọi phần trang trí sắc màu cầu vồng trên váy là “toọng
húng” (bụng của rồng) và mặc nhiên phần đó được coi là phần không thể thiếu của
một tấm váy. Cũng với cách suy nghĩ này, cộng với sự say mê sắc đẹp của con
rồng (cầu vồng) mà dần dần họ dã thêu cả một con rồng “thực sự” lên váy, nghĩa
là một con rồng có mắt, có mào, có vảy, có chân, có vuốt...
Có vẻ như, chỉ có người
phụ nữ Thái ở miền Tây Nghệ An mới thêu hình rồng lên váy. Chẳng biết điều này
có mối liên quan gì với Huyền thoại Khủn Tưởng- Khủn Tinh vốn rất nổi tiếng ở
khu vực này hay không. Trong câu chuyện huyền thoại đó, nàng rồng Ẹt Khay đã
thể hiện sức mạnh vượt trội so với nàng vượn Nang Ni để giành chiến thắng. Vào
thời sơ khai của xã hội, người Thái (cũng như nhiều dân tộc khác) từng sống
trong cơ cấu gia đình mẫu hệ; dù có hay không có một điểm xuất phát từ Huyền
thoại Khủn Tưởng- Khủn Tinh thì hình tượng rồng trên trang phục phụ nữ Thái
Nghệ An cũng không có gì khác hơn là một biểu tượng của quyền uy và sức mạnh. Điều
này thể hiện quy luật chung trong hình tượng rồng của nhiều dân tộc và nhiều
quốc gia khác. Tuy nhiên, ngoài quyền uy và sức mạnh, người phụ nữ Thái cũng
đặc biệt quan tâm đến vẻ đẹp của con rồng. Rất có thể bản tính hiếu hoà, mộc
mạc và chân chất của cả cộng đồng cùng với tư duy thẩm mỹ tinh tế và mạnh mẽ
của người phụ nữ đã góp phần bảo toàn nguyên vẹn hình tượng con rồng trên trang
phục phụ nữ Thái cho đến ngày nay- vượt qua cả những quy định khắt khe của các
triều đại phong kiến... Và hẳn mãi về sau, hình ảnh rồng vẫn luôn quấn quýt, ẩn
hiện, uốn lượn, lên xuống theo từng bước đi của người phụ nữ Thái, không chỉ
làm tôn lên vẻ đẹp cơ thể mà còn cho thấy sự tự tin suốt ngàn đời của họ./.
Sầm Văn Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét