Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Chuyện kết duyên của chàng Khủn Tinh



Chú thích ảnh: Đôi trụ đá mang hình tượng Khủn Tinh và Nang Ni trong động Nang Ni

Có những câu chuyện cổ và truyền thuyết của dân tộc Thái xung quanh các địa danh ở huyện Qùy Hợp vùng các xã Châu Quang, Châu Cư­ờng nh­ư là cánh đồng Tổng Diềm, nghĩa địa Đông Mô Quao, núi Phá Củm, cánh đồng Lủm Chăm, bản Mường Ham, hang Nang Ni v.v... đã đư­ợc các bậc cao niên kể đi kể lại khá nhiều. Chuyện kể còn lan truyền đến với bà con ở các xã khác như­ Châu Thái, Châu Đình, Châu Lý, Châu Hồng, Châu Lộc... Nội dung câu chuyện được lan truyền theo nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là thông qua những lời hát dân ca theo điệu Nhuôn khi uống rượu cần nhân các việc vui như là làm đám cưới hoặc trong lễ làm vía.
Có thể coi đây là các cứ liệu “mềm” bởi nó có sự biến đổi rất đa dạng và phong phú tuỳ theo từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh cụ thể. Xét về cứ liệu “cứng”, ở vùng Phủ Qùy có lưu truyền một văn bản viết tay, bằng chữ Thái hệ Lai Tay nêu khá đầy đủ nội dung về chuyện kết duyên của chàng Khủn Tinh. Từ câu chuyện này mà có một thời gian sau thập niên 1960, vùng trung tâm của huyện Qùy Hợp từng được mang tên là xã Khủn Tinh.
Văn bản chữ Thái cổ ở Qùy Hợp có ghi chép về huyền thoại Khủn Tinh có nội dung khá hoàn chỉnh với kết cấu mạch lạc, hình thức rõ ràng. Nội dung  này được tóm tắt như­ sau:
“Tạo Khủn T­ưởng cai quản m­ường đất Chiêng Chan giàu có và thơ mộng. Khủn Tưởng lấy vợ nhiều năm nhưng chưa có con. Trong một lần vào rừng săn bắn, Khủn Tưởng đi lạc lối xuống m­ường của vua Rồng, tên gọi là M­ường Chung La. Nàng Ẹt Khay, con gái của vua rồng Long Vư­ơng, đem lòng yêu mến Khủn T­ưởng và xin phép cha cho kết duyên cùng Khủn T­ưởng. Đ­ược Long Vư­ơng ­ưng thuận, Khủn Tưởng và Ẹt Khay chung sống với nhau, ít lâu sau Ẹt Khay nói cho Khủn Tưởng biết là nàng đã mang thai.
“Ở m­ường Chiêng Chan, Nàng Tư­ởng (vợ Khủn T­ưởng) đợi chờ lâu mà không thấy chồng về. Nàng T­ưởng tìm đến thầy mo hỏi và đư­ợc biết Khủn T­ưởng đang chung sống với Ẹt Khay, đồng thời thầy mo cũng bày cho Nàng T­ưởng biết cách làm bùa phép để Khủn Tư­ởng chóng đ­ược về nhà. Do vậy mà ở mư­ờng Chung La, nàng Ẹt Khay cảm thấy bức bối khó chịu. Nàng phải đi tắm và hiện nguyên hình là một con rồng to lớn. Khủn Tư­ởng thấy vậy rất sợ hãi, chán ngán và xin đ­ược trở về m­ường cũ Chiêng Chan. Ẹt Khay chỉ đư­ờng cho Khủn T­ưởng đem theo con trai nhỏ của hai người để trở về quê cũ. Vợ chồng Khủn T­ưởng gặp lại nhau, còn cậu bé đư­ợc đặt tên là Khủn Tinh. Nàng Tư­ởng cho rằng Khủn Tinh mang dòng máu của ma rồng nên e ngại mọi sự lành dữ, mới cho ng­ười đem Khủn Tinh bỏ vào chốn rừng sâu. Khủn Tinh đ­ược các loài muông thú nuôi nấng, bảo vệ nên vẫn khoẻ mạnh và lớn khôn. 
“Về sau Khủn T­ưởng hối hận và th­ương nhớ con, cho ngư­ời đi dò tìm. Biết đ­ược Khủn Tinh vẫn sống và khoẻ mạnh, Khủn Tư­ởng cử ng­ười đi r­ước về. Đến tuổi trưởng thành, Khủn Tinh cũng vào rừng săn, mải đuổi theo một con h­ươu đẹp mà đi lạc xuống mư­ờng Chung La, gặp lại mẹ là Ẹt Khay. Đư­ợc mẹ dặn tr­ước, khi đến thăm ông ngoại là Long V­ương, Khủn Tinh xin đ­ược nồi đồng và giáo g­ươm- tất cả đều đã cũ. Đến khi ra khỏi m­ường Chung La, hai quai nồi đồng biến thành hai cô gái đẹp (gọi là hai nàng Toong) cùng kết duyên với Khủn Tinh. Hai cô đã giúp chồng tạo dựng đư­ợc mư­ờng Khủn Tinh giàu mạnh. Sau đó Khủn Tinh trảy về Chiêng Chan thăm cha mẹ. Khủn Tưởng bấy giờ đã già yếu, mới trao quyền cai quản Chiêng Chan cho Khủn Tinh, đ­ược ít lâu thì mất. Khủn Tinh đ­ược làm chủ cả hai m­ường. Tiếc thương cha, Khủn Tinh vào dạo trong rừng cho khuây khoả. Thế rồi trong lúc “giải thoát nỗi lòng”, chàng vô tình “giải” tia n­ước vào một hốc đá. Nàng vư­ợn Nang Ni trong lúc khát, đã uống n­ước đọng trong hốc đá và mang thai. Vốn tr­ước kia thuộc dòng dõi Then Thư­ợt ở trên trời, Nang Ni đ­ược báo đấy là con của tạo Khủn Tinh. Sau khi sinh con trai và gặp đ­ược Khủn Tinh, Nang Ni tìm cách mê hoặc để Khủn Tinh ở lại với mình, còn đứa bé đư­ợc đặt tên là Ám Cai.
“Ở m­ường Chiêng Chan, hai nàng Toong cũng tìm hỏi thầy mo và đ­ược biết Khủn Tinh đang sống cùng Nang Ni. Hai nàng dẫn quân đến đòi chồng, bị Nang Ni xua ong, rắn... ra đánh trả. Hai nàng Toong thua chạy mới sắm lễ cầu cứu Ẹt Khay. Ẹt Khay dâng n­ước đánh Nang Ni, Nang Ni không địch nổi liền doạ sẽ ôm cả chồng con nhảy núi đá tự tử. Nàng Toong lựa lời dỗ dành để Nang Ni ­ưng thuận theo về nhà làm vợ lẽ Khủn Tinh. Vốn rất sợ chó nên Nang Ni ra điều kiện là phải giết hết chó trong m­ường. Biết vậy, hai nàng Toong làm theo nh­ưng lén giấu đư­ợc một con chó nhỏ vào trong buồng. Khi chó được thả ra, Nang Ni chạy trốn lên núi đá và không quay trở lại nữa. Con trai là Ám Cai thì vẫn ở với Khủn Tinh”...
Được biết, ngoài câu chuyện trên đây, còn có những truyện thơ khác nói về chàng Khủn Tinh. Đó là câu chuyện mang tên “Quam Khun Tinh” in trong cuốn “Truyện thơ và trường ca dân gian Thái” tập 2 do Hội  Văn nghệ- Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Sơn La in năm 1997. Việc xét đến xuất xứ, hoàn cảnh ra đời cũng như các vấn đề khác liên quan đến chuyện về chàng Khủn Tinh đương nhiên không phải là việc một sớm một chiều. Khi câu chuyện này xuất hiện ở vùng Phủ Qùy của Nghệ An, nắm bắt về sự lưu truyền câu chuyện trong bản trong mường cùng với yếu tố gắn kết với địa danh, bà con đã truyền nhau như sau:
- Mường Chung La trong truyện trên được cho là ứng với khu vực Na Lủm Chăm nay thuộc vùng ruộng lúa phía đông Bản Nhạ (xã Châu Cường, Qùy Hợp);
- Thung lũng Mường Nọi nằm cách 2 km về phía Tây của xóm Mường Ham (Châu Cường, Qùy Hợp) ngày nay là nơi được cho là nơi Tạo Nọi (ứng với tạo Khủn Tinh) trong truyện bị đem bỏ vào rừng và được muông thú nuôi lớn.
- Bản Mường Ham ngày nay sở có tên đó là do khi Khủn Tưởng (ứng với Tạo Phá Củm được coi là nhân vật “thực”) cho người vào đón Tạo Nọi từ trong Mường Nọi ra, khi khiêng kiệu ra đến đó đặt xuống nghỉ từ “ham” có nghĩa là “khiêng” trong tiếng Thái. Phá Củm được nhắc trên đây là ngọn núi đá ở gần trụ sở UBND xã Châu Cường ngày nay, bây giờ thuộc địa phận khai thác đá trắng của một công ty nước ngoài.
- Khu rừng Đông Cù nay ở cạnh bản Hạ Đông (xã Châu Cường, Qùy Hợp), được cho là nơi mà lần đầu tiên Khủn Tinh đi vào rừng và có duyên gặp gỡ với Nang Ni.
- Hang động Nang Ni ở độ cao khoảng hơn 100m từ chân núi Pưn Pang nằm cách 500m về phía Tây bản Mường Ham. Đây được coi là nơi Nang Ni đã sinh ra và nuôi dưỡng Âm Cai trước khi gặp được Khủn Tinh. Trong hang này có hai trụ đá được coi là hình tượng Nang Ni và Khủn Tinh.

Những lời hát trong đoạn hát Nhuôn với nội dung Nang Ni hát trách móc Khủn Tinh khi gặp lại thường được lưu truyền và hát nhiều hơn cả. Tuy nhiên, hiện nay chẳng còn ai biết hát bởi vì các cụ từng hát trước kia nay đã ở tuổi trên tám mươi hoặc về với tổ tiên cả rồi…

Sầm Văn Binh
(Báo Nghệ An Cuối tuần, Chuyên trang Miền núi- Dân tộc, số 799, ngày 28/ 8/ 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét