Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Tương lai của chữ Thái ở Nghệ An là khá vững chắc


Thảo NguyênÔng có thể cho biết tình hình về chữ viết của các nhóm người Thái ở Nghệ An?

Sầm Văn Bình: Ở tỉnh Nghệ An có 3 nhóm cư dân dân tộc Thái, các nhóm đó có tên gọi theo tiếng địa phương là Tay Mương, Tay Thánh và Tay Mưởi.

Nhóm Tay Mương có lịch sử cư trú lâu đời nhất. Nhóm này sử dụng chữ Thái hệ Lai Tay (ở vùng đường 48) và chữ Thái hệ Lai Pao (ở vùng đường 7). Chữ Thái hệ Lai Tay có đặc điểm viết theo hàng dọc, ghép vần từ trên xuống dưới, đọc các hàng từ phải sang trái. Khoảng từ năm 1900- 1945, chữ Thái hệ Lai Tay được sử dụng ghi chép các văn bản hành chính ở vùng Phủ Qùy. Các văn bản này có đóng dấu triện của các triều vua Bảo Đại, vua Thành Thái, hoặc dấu của chính quyền Đông Dương tùy theo từng thời kỳ. Chữ Thái hệ Lai Pao có đặc điểm viết theo hàng ngang, được sử dụng trong dân chúng nhưng về sau bị rơi dần vào sự lãng quên.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Mê đắm lời xuối- nhuôn


Ca dao dân tộc Thái ở Nghệ An có một khối lượng khá đồ sộ và phong phú. Với sự phản ánh sinh động, hấp dẫn về phong cảnh bản mường giàu đẹp, tình yêu nam nữ thiết tha, quan hệ hôn nhân, gia đình và xã hội, ca dao dân tộc Thái ở Nghệ An được thể hiện trên nhiều cung bậc cảm xúc của người dân thông qua các làn điệu diễn xướng như "nhuôn, xuối, òn, khắp"… Ngoài ra, với những nhận định về thời tiết và phản ánh đời sống lao động sản xuất, đồng bào cũng lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn sản xuất và đấu tranh với thiên nhiên từ bao đời nay.
Người Thái ở Nghệ An chủ yếu cư trú tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Chuyện kết duyên của chàng Khủn Tinh



Chú thích ảnh: Đôi trụ đá mang hình tượng Khủn Tinh và Nang Ni trong động Nang Ni

Có những câu chuyện cổ và truyền thuyết của dân tộc Thái xung quanh các địa danh ở huyện Qùy Hợp vùng các xã Châu Quang, Châu Cư­ờng nh­ư là cánh đồng Tổng Diềm, nghĩa địa Đông Mô Quao, núi Phá Củm, cánh đồng Lủm Chăm, bản Mường Ham, hang Nang Ni v.v... đã đư­ợc các bậc cao niên kể đi kể lại khá nhiều. Chuyện kể còn lan truyền đến với bà con ở các xã khác như­ Châu Thái, Châu Đình, Châu Lý, Châu Hồng, Châu Lộc... Nội dung câu chuyện được lan truyền theo nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là thông qua những lời hát dân ca theo điệu Nhuôn khi uống rượu cần nhân các việc vui như là làm đám cưới hoặc trong lễ làm vía.

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Khuya khoắt người ơi



Khuya rồi, khuya khoắt em ơi
Đêm đen chậm rãi đổ vơi sang ngày
Giữa dòng, cá "pộc" ngủ say
Ven bờ, cá "vả" xếp vây ngủ vùi
Đầu nguồn, cá "cánh" ham chơi
Giờ này cũng ngủ từng đôi im lìm.
Có con gà trống huyên thuyên
Lặng thinh xếp cánh ngủ yên trong chuồng
Chim khuyên ngủ ngọn cây vông
Con công ngủ chốn bịt bùng lá đa
Con vượn ngủ trong rừng già
Con chim "tăng ló" ơi à nựng con…
...Bản mường, khe suối, núi non
Ngủ cho đêm khuyết. Ngày tròn đang lên.
Chỉ mình anh thức cùng em
Nghe trong tĩnh lặng, con tim thì thầm…

Tiếng Thái: Đấc má lẹo
Đấc má lẹo đấc điềng má lẹo
Tiềng cứn đả hon má lẹo
Tếnh bộc thăm pả và cờ nón
Nửa tà thăm pả cảnh cờ nón
Hỏn đảnh phu cày tò cờ nón
Nộc nọi chắp ngà phủng
Nộc nhứng chắp ngà ba
Cớ ní nón pải mạy cờ nón
Phán cay nón pặp tỏ cờ nón
Nhắng đẻo tò nộc tảng ló đảng xày
Nhắng tò ai tấng nọng nằng huồng hon cứn...

Sầm Văn Bình

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Hình rồng thêu trên váy của phụ nữ Thái Nghệ An


Người Thái ở Nghệ An bao gồm các nhóm Tày Mường (còn gọi là Tày Chiềng, Hàng Tổng), Tày Thanh, Tày Mười. Đặc điểm về tấm váy của người phụ nữ Nghệ An được nêu trong bài viết này cơ bản là liên quan đến nhóm Thái Tày Mường- còn các nhóm Thái khác xin được đề cập đến ở một số bài viết khác khi có dịp... Nói chung, phụ nữ dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An thường hay thêu hình rồng trên váy. Một chiếc váy nhuộm chàm được phân chia thành hai phần rõ rệt: phần cao hơn được để nguyên với màu chàm đặc trưng, còn phần thấp hơn được thêu thùa rất cẩn thận, công phu và trang trí bằng các hình ảnh hoặc đường nét phần nào mang tính cách điệu. Các hình đó có thể là những đường nét khó hiểu, cần phải đầu tư thời gian và công sức mới có thể tìm ra ý nghĩa của chúng; đó cũng có thể là hình của một vài loại lá cây quen thuộc như lá cau, lá dừa, lá rau bợ...; đó cũng có thể là hình ảnh của bông hoa, của mặt trời...; đó cũng có thể là hình tượng các con vật như hươu, nai, hổ, voi, và cả hình tượng rồng...