Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Cái bánh sừng trâu

Là người Thái, hẳn không ai là không biết cái bánh sừng trâu. Sở dĩ cái bánh đó được gọi tên như thế vì nó có một đầu nhọn như cái sừng trâu, một đầu tù được buộc bằng lạt giang cho khỏi tuột… Tùy theo từng vùng, từng khu vực sinh sống mà người Thái gói bánh sừng trâu bằng lá đót hoặc lá dong, nhưng gói bằng lá dong là phổ biến nhất. Nguyên liệu để làm nên cái bánh sừng trâu hết sức đơn giản và dễ tìm
, vì chỉ cần một nhúm gạo nếp là gói được. Hồi còn nhỏ đi học được đọc trong sách “Tập đọc”, có câu chuyện viết về chàng Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày dâng Vua Hùng, mỗi dịp cho nhúm gạo nếp vào lá dong để gói bánh sừng trâu, không ít người Thái hẳn đã rưng rưng thấp thoáng thấy lại bóng hình xưa của chàng Lang Liêu trong tâm tưởng… Thông thường bánh sừng trâu vẫn được gói bằng lá dong, nhưng ở những nơi không sẵn lá dong người Thái sẽ gói bằng lá đót… Cách gói bằng lá đót sẽ cho ra cái bánh sừng trâu nhỏ hơn, chỉ nhỉnh hơn ngón tay một chút. Bù lại, cái bánh sừng trâu gói bằng những chiếc lá này sẽ có hai đầu nhọn, dù nhỏ nhưng nhìn gần giống hai cái sừng trâu trên đầu con trâu… Lời cúng xưa nay vẫn có câu: “Khàu tồm hỏ tóng khém, Nom nem hỏ tóng cuôi” (Dịch: Bánh sừng trâu gói bằng lá đót, Bánh “nom nem” gói bằng lá chuối). Khi sử dụng lá dong để gói, người ta lựa chọn những lá nhỏ, bề dài cỡ gần hai gang tay, bề rộng cỡ một gang tay là được; chú ý loại bỏ lá bị sâu, lá thủng rách hoặc có nhiều rêu mốc, địa y bám vào... Nếu chọn loại lá cỡ lớn hơn thì khó mà gói được một cái bánh sừng trâu vừa ý, do khi gói làm cho phần lá bị cuộn bên trong quá nhiều lớp nên khó chỉnh sửa độ nhọn của “chóp sừng”, tức là phần nhọn của bánh. Mỗi cái bánh sừng trâu chỉ cần một lá dong để gói. Khi rửa lá, phải chùi kỹ mặt dưới của lá cho thật sạch; tiếp đó là tước đi phần gân cứng chạy dọc phần giữa của chiều dài lá. Việc cuộn chiếc lá sao cho thành hình sừng trâu trong công đoạn gói là một việc thoạt nhìn rất đơn giản. Bên ngoài nhìn vào chỉ thấy người gói trở tréo bàn tay phải để cầm phần cuối lá dong rồi… trở tay một cái, thế là cái lá dong đã có hình chóp nhọn của sừng trâu. Sau đó là việc chỉnh lá, cho nhúm gạo nếp vào, bẻ gập phần cuống lá lại và buộc sợi lạt giang hai vòng mới thắt nút. Tất cả các thao tác, các động tác đều đơn giản, nhẹ nhàng nhưng với các em bé người Thái muốn học gói bánh sừng trâu đều phải được học gói trực tiếp từ người lớn, và phải gói hàng chục cái bánh mới tạm gọi là quen tay. Việc cho nhiều hay ít gạo nếp vào bánh cũng đòi hỏi phải được lường trước sao cho hợp lý. Với một lá dong đã hình thành vỏ khuôn cho một cái bánh cụ thể, nếu cho nhiều gạo nếp quá thì khi nấu hạt gạo nở ra bị chèn ép bánh sẽ nứt lá hoặc không chín được, cho ít gạo quá thì khi bánh chín, “cái sừng trâu” nhìn sẽ nhão và nhăn nheo không có sức sống. Ngày tết nguyên đán, bánh sừng trâu gói xong được buộc thành từng chùm, mỗi chùm khoảng dăm bảy cái rồi cho vào nấu chung trong nồi bánh chưng. Khác với các loại bánh chưng, bánh ít, sau khi dâng cúng tổ tiên trong ngày mồng một tết, bánh sừng trâu sẽ được các em bé chăn trâu trong nhà đem đến chuồng trâu đút tận miệng cho mỗi con trâu một cái bánh để trâu cùng được “ăn tết” và mạnh khỏe để kéo cày giúp chủ trong năm mới. Vậy nhưng bánh sừng trâu không chỉ được làm trong dịp tết, mà đã được làm ra ở bất cứ thời gian nào trong năm. Điều làm cho bánh sừng trâu được người Thái Nghệ An quan tâm nhất là trong tập tục thách cưới của người Thái từ xưa đến nay đều chọn bánh sừng trâu làm một lễ vật không thể thiếu, cùng với ông cơm lam… Khi đại diện bên nhà trai cùng với ông mai mối đi đến nhà gái tiến hành một thủ tục bắt buộc được gọi là lễ “xán nha” (xán nha: nghĩa là giao kết, đính ước- lễ này chỉ được tiến hành một lần duy nhất, trước khi tiến hành hôn lễ chính thức một thời gian ngắn)- thì ngoài các lễ vật khác, họ phải chuẩn bị cho được hai ống cơm lam và bốn mươi cái bánh sừng trâu. Chỉ có trong hôn nhân chính thống (nam nữ còn thanh tân và không tự ý “trộm” nhau làm vợ làm chồng) người Thái mới có lễ “xan nha” và dùng đến các lễ vật bánh sừng trâu và ống cơm lam… Các thứ này cùng với rượu siêu, trầu cau… được đặt chung vào một cái giỏ (gọi là “chạu”), hai quai giỏ được buộc bằng một cái thắt lưng hoa còn mới, để một người con gái có thể đeo trên vai. Đến bên nhà gái, đại diện nhà trai cùng các thông gia bày biện các lễ vật cùng với tất cả bánh sừng trâu, ống cơm lam trên một cái mâm đồng hoặc nhôm đặt tại vị trí trang trọng giữa nhà, vây quanh là đại diện hai họ thông gia đứng kề bên nhau. Trong phần báo cáo các lễ vật trong lễ “xán nha” của nhà trai, bắt buộc phải nêu rõ ràng rằng có bốn mươi cái bánh sừng trâu và hai ống cơm lam. Theo phong tục, bên nhà gái cử người kiểm đếm từng đôi bánh sừng trâu,… nếu số lượng bánh không đủ hoặc bánh bị nứt v.v… sẽ bị phạt. Đáng ngại hơn nữa, sau lễ “xán nha” số bánh này sẽ được chia cho trẻ con trong nhà ăn thỏa thích, nếu phát hiện ra lá dong bị sâu, hoặc nhất là bánh sừng trâu không chín thì bị coi như một “cái điềm” báo hiệu cuộc hôn nhân về sau sẽ “không chín”. Vậy nên không cần nói cũng biết các chàng rể người Thái đã lo lắng, chăm bẵm thế nào cho từng cái bánh sừng trâu “hỏi vợ” của mình. Do tính chất quan trọng như vậy nên họ không dám nhờ người khác chọn lá dong, nhờ gói bánh hoặc luộc bánh… mà bản thân họ phải trực tiếp lo lắng cho sự tròn trịa của cái bánh hệt như lo cho tương lai vẹn toàn trong cuộc sống hôn nhân của mình… Hiểu theo một cách khác, tất cả tình cảm và tâm tư đôi lứa, sự khéo léo, nhẫn nại và trách nhiệm của chàng rể có thể được “nhận diện” qua thái độ, hành động khi anh ta làm ra một chiếc bánh sừng trâu… Thời gian gần đây, do những lí do và hoàn cảnh khác nhau mà ở nơi này nơi kia người ta có xu hướng thay thế bánh sừng trâu bằng “bánh kẹo công nghiệp”. Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng bị phản bác bởi nó làm nghèo đi bản sắc phong tục tập quán, giá trị truyền thống của dân tộc Thái. Xin dẫn thêm lời nói của một cụ già trong bản: “Cả đời người con trai Thái, chỉ có duy nhất một lần được gói bánh sừng trâu làm lễ vật dâng lên họ hàng nhà vợ; còn bánh kẹo ngoài quán ngoài xá thì mua lúc nào chẳng được”! Ấy là ông còn chưa nói đến việc rất dễ mua phải kẹo bánh rởm hoặc quá hạn sử dụng có thể gây ra ngộ độc cho nhiều người…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét