(Ảnh minh họa từ internet)
Kho tàng truyền thuyết, sử thi của đồng bào dân tộc
thiểu số khá phong phú. Từ thời còn học phổ thông, tôi đã được làm
quen với “Trường ca Đam San” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tiếp
sau nữa có Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường, Truyền thuyết
“Quám tố mướng” của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Và, mặc dù là
người Thái Nghệ An, gần chục năm trở lại đây tôi mới được biết đến
Truyền thuyết “Xuống mường hạ giới”, huyền thoại “Khủn Tưởng- Khủn
Tinh” và Sử thi “Khun Chương” của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.
Tôi đã có dịp tìm hiểu qua mấy bản “Quám tố mướng”
của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam. Các bản đó có xuất xứ và độ
dài khác nhau (có bản dài chỉ vài chục câu, có bản dài đến vài
trăm câu). Những bản đó tôi lưu giữ được từ những người có quá trình
quan tâm tìm hiểu về văn hóa Thái Tây Bắc như các ông Lò Văn Lả, Hà
Văn Long (Sơn La), ông Lò Văn Biến (Yên Bái), ông Thawi Swangpanyangkoon
(Thái Lan), và cả trong cuốn “Tuyển tập văn học các dân tộc ít người
ở Việt Nam” (3 tập, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992). Riêng bản
phiên âm “Xuống mường hạ giới” của người Thái Nghệ An thì tôi được
đọc từ sưu tầm của các ông Lô Vĩnh (Qùy Hợp), ông Vi Văn Nhạn (Việt
Kiều ở Pháp)… Nếu chỉ đọc qua phần đầu, người đọc sẽ có cảm giác
cho rằng “Quám tố mướng” và “Xuống mường hạ giới” là na ná như nhau.
Giống nhau ở chỗ trong phần đầu nội dung đều có nhắc đến sự hình
thành trời đất, từ cái thời mà “mặt đất bằng lá đa, bầu trời bằng
vảy ốc”… Tuy nhiên, khi đọc tiếp sang phần sau thì sẽ thấy Truyền
thuyết “Quám tố mướng” đi sâu vào phần lịch sử, chú trọng diễn tả
quá trình thiên di tìm các mường đất mới của Tạo Lò, phân công cho
các con “ăn” (cai quản) hết mường này đến mường khác. Trong các con
của Tạo Lò, có con trai út là Tạo La đi đến mường nào cũng không
thấy ưng ý, sau thì lựa chọn được mường riêng của mình, nay là Mường
La ở Sơn La… Về truyền thuyết “Xuống mường hạ giới”, trong hai bản
đang được biết đến thì bản nào cũng khá đầy đủ nội dung, tuy nhiên
bản sưu tầm của ông Lô Vĩnh có sự diễn tả và dẫn dắt chi tiết hơn,
với độ dài 645 câu theo thể văn vần truyền thống của người Thái Nghệ
An. Trong nội dung của “Xuống mường hạ giới” có thể phân chia thành nhiều
“kỷ nguyên”, phần đầu cũng nói về hình thành trời đất, phần giữa
nói về sự khai phá lập bản dựng mường và phần sau nói về phân định
tầng lớp cai quản bản mường cho đến thời phong kiến gần đây… Những
nội dung đó tạm được tóm tắt như sau:
- Kỷ nguyên 1: “Bên trên chưa có trời, bên dưới chưa có
đất. Đất nhão nhoét, bước đi chẳng được. Cả vũ trụ như ở chung trong
một quả trứng. Đất đẻ (trứng) ra bắt trời ấp, trời không chịu. Trời
đẻ ra bắt đất ấp, đất nhận lời. Mới có mảnh đất bằng lá đa, bầu
trời bằng vảy ốc. Nước chưa biết chảy, lửa chưa biết cháy…”. Sau đó
Trời mới sai hai ông bà Pủ Cắp- Nhả Ké xuống trần. Họ trồng lên
những cây đa, cây si đầu tiên. Lớp người ấy nhỏ như cái chìa vôi,
chẳng làm được gì, vì bầu trời còn thấp nên họ chọc lấy “cùi
trời” (bầu trời có cùi như cùi dừa!!!) để ăn, sau rồi chết hết. Hồn
của họ biến thành những bông hoa trên đỉnh núi cao.
- Kỷ nguyên 2: Trời tiếp tục sai hai ông bà Ý Thư- Ý
Thiếng xuống trần. Lúc này những cây đa cây si do hai ông bà Pủ Cắp-
Nhả Ké trồng từ trước đã lớn lắm, che rợp cả trời. Hai ông bà Ý
Thư- Ý Thiếng chặt cây si thần hết 3 năm không đổ, “chặt phía này
phía kia liền lại, đốn phía này phía nọ lại nguyên”. Họ cũng chết
đi mà không hạ được cây si thần.
- Kỷ nguyên 3: Trời sai hai ông bà Pủ Dơ- Nhả Mày
xuống trần. Họ xin đem theo rìu vàng rìu bạc từ mường trời xuống.
Nhờ rìu đó sau 4 năm họ chặt đổ cây si thần. Khi chết họ trở thành
các vị thần trông coi cổng rú mồ (nghĩa địa).
- Kỷ nguyên 4: Trời sai hai ông bà Ý Thi- Ý Thón
xuống trần. Lúc này cây si thần đã bị chặt nên họ lấy cày bừa từ
trên trời xuống, cày đất thành núi thành non như ngày nay ta thấy.
Được trăm năm sau họ chết, hồn họ quay về trời.
- Kỷ nguyên 5: Trời sai hai ông bà Kăm Ngọc- Kăm Vá
xuống trần. Con cháu họ ăn lông ở lỗ, sống chung chạ với nhau, không
phân biệt vợ chồng. Họ suốt ngày tranh giành chồng/ vợ với nhau,
chém giết lẫn nhau nên chết hết. Hồn của họ biến thành vàng thành
bạc tụ dưới đất sâu.
- Kỷ nguyên 6: Trời sai hai ông bà Tạo Vi xuống trần
trồng cây cối, trồng song mây. Hai ông bà chết đi, con cháu lười nhác
không chịu khai ruộng, suốt ngày chỉ đan lưới, làm bẫy săn bắt chim,
cá, thú rừng về ăn. Chim quý Áng Vanh của Trời xuống trần mắc phải
bẫy, Trời nổi giận làm ra chín mặt trời thiêu đốt dương gian. Người
trần không chịu nổi, bàn nhau làm ná, làm cung tên bắn rụng 8 mặt
trời. Còn lại một mặt trời sống sót trốn xuống biển nấp. Mặt đất
trở nên tối tăm. Con người bàn nhau và cử Gà và Vịt đi tìm gọi Mặt
Trời, mặt đất mới sáng trở lại.
- Kỷ nguyên 7: Trời sai hai ông bà Ắm Ết- Lang Chai
xuống cai quản trần gian. Họ cũng lười khai phá ruộng nương, chỉ
chuyên tâm làm bẫy, đan lưới. Rồng thần của nhà trời xuống trần
vướng vào lưới bị họ đâm chết. Trời nổi giận làm gió mưa dâng nước
thành nạn hồng thủy. Người trần gian chết hết. Chỉ còn hai chị em
bám được theo quả bầu nổi lên đến mường trời. Họ xin làm tôi tớ cho
nhà trời để kiếm cái ăn qua ngày. Về sau, họ chấp nhận ăn ở thành
vợ chồng với nhau để sinh ra loài người. Khi sinh nở, người mẹ sinh ra
mọi giống người, và cả các loài sên vắt, muỗi mòng, chim muông, và
ma quỷ nữa…
- Kỷ nguyên 8: Trời sai Tạo Lò Kăm xuống trần gây bản
dựng mường. Tạo Lò Kăm vâng mệnh xuống ngự ở núi Pu Quai (tức “Núi
Trâu”, ở xã Châu Kim, huyện Quế phong ngày nay). Tạo Lò Kăm xuống
trần, các con vật như trâu, ngựa xin xuống theo cùng để giúp đỡ. Trời
hỏi sao lại xin xuống trần như thế, các con vật tâu trình như sau:
“Trâu: xin xuống trần để vai mang ách, chân giẫm ruộng trồng lúa, khi
chủ mất xin được xả thân làm ma cho chủ; Ngựa: chân nhỏ không giẫm
ruộng được, xin mang người trên lưng đi khắp nẻo gần xa; Hổ: tôi không
xuống thì trâu bò không về chuồng, kẻ lười nhác không làm nhà dựng
cửa; Vắt núi và đỉa: tôi không xuống thì người không phát đường
quang, bạ chỗ nào cũng đi, bạ lối nào cũng lội; Muỗi: nếu tôi không
xuống, con người sẽ không biết dệt chăn màn, con gái Thái về nhà
chồng lấy đâu ra nệm đẹp…”. Tạo Lò Kăm cũng được các con vật giúp
để lấy được lửa về dùng, khai phá ruộng nương, xây dựng bản mường
dài lâu…
Trong phần cuối nói về “Kỷ nguyên 8”, cũng có đoạn
nói về việc phân định nơi cai quản, nơi thờ cúng (các đền thờ cúng)
ở từng mường. Trong “Địa chí huyện Qùy Hợp” cũng có lược trích một
đoạn ở phần này. Tuy vậy, tôi cũng xin trích một đoạn trong truyền
thuyết “Xuống mường hạ giới” trong phần phiên âm tôi đã được tham
khảo:
“Lò Anh xuống ngồi ngự
Lò Em xuống ngồi mường
Kăm Thướng xuống ngồi bản
Chủ Kăm Lạn xuống ngự núi Trâu
Tạo Hai ngồi Đền Choọng
Em Út ngồi Đền Ham
Tạo Ba ở Mường Chai
Anh Út Nhỏ xuống ở Chiềng Van…” (Chiềng Van: thuộc địa phận Thanh Hóa)
Trên đây là phần tóm tắt sự diễn tả khá chi tiết
những “kỷ nguyên” trong văn bản truyền thuyết “Xuống mường hạ giới”
của người Thái Nghệ An. Trong phần “phân định” có nhắc đến các đền
thờ và các mường đất liên quan ở các huyện miền núi của Nghệ An,
và cả huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Người Thái sinh sống ở miền núi
Nghệ An hiện có hai nhóm chính là nhóm Tay Mương và nhóm Tay Thanh.
Tuy nhiên, do nhóm Tay Thanh có quá trình di cư (từ Thanh Hóa là chủ
yếu) vào mới khoảng một thế kỷ nay nên truyền thuyết “Xuống mường
hạ giới” chủ yếu nói về chuyện của người Thái nhóm Tay Mương.
Theo một ý kiến không chính thức, trước đây người
Thái nhóm Tay Mương chỉ có hai dòng họ chính là họ Lò Kăm và họ Vi
(Hún Vi, Quán Vi). Có một số họ khác (…) được người Pháp đặt thêm
trong thời phong kiến dưới sự cai trị của người Pháp, nhằm phục vụ
cho mục đích cai trị của họ được tốt hơn, thuận tiện hơn. Trong quá
trình “chuyển đổi” đó, có cả việc xuất hiện họ Sầm (tức cũng là
Lò Kăm), và họ Trương (tức cũng là Hún Vi, Quán Vi). Tạm thời chưa
cần phải đi tìm sự xác thực của ý kiến đó, mà hãy ghi nhận sự
tồn tại và phát triển song hành của hai dòng họ truyền thống chủ
đạo của người Thái Nghệ An: họ Lò Kăm và họ Vi.
Có những câu chuyện được truyền tụng trong cộng đồng
người Thái, bao gồm cả trong hai dòng họ Lò Kăm và Vi (chuyện thường
mang một vẻ hài hước nhất định để tránh những căng thẳng, chia rẽ
không cần thiết). Rằng là, tổ tiên dòng họ Vi được Trời sai xuống cai
quản trần gian trước (xem “Kỷ nguyên 6”), đến “Kỷ nguyên 8”, sau khi họ
Lò Kăm cũng xuống trần, con cháu của hai dòng họ có sự tranh cãi để
phân định anh em. Trong khi tìm lý lẽ, họ Vi bị đuối lý nên phải chấp
nhận làm bậc em… Tuy nhiên, thực sự là ông tổ của họ Vi xuống trần
trước (từ “Kỷ nguyên 6”), sau khi chết về mường Trời thì được làm
Then Vi, được đảm trách việc gác cửa lên mường trời. Then Vi thấy sự
thể hai họ phân định anh em như thế thì bực lắm, nên hễ cứ thấy
người của dòng họ Lò Kăm, khi hết hạn ở dương trần, hồn lên đến cửa
vào mường trời thì bị Then Vi chặn lại, không cho qua. Hồn của người
mang họ Lò Kăm muốn qua được cửa trời thì phải có lễ cúng chuộc
lỗi với Then Vi. Vậy là, con cháu người chết (họ Lò Kăm) luôn phải
kiếm lễ vật, thường là một con lợn nhỡ cùng các thứ kèm theo, mời
thầy mo về cúng nạp lễ cho Then Vi (gọi là “páng chuộc”) thì hồn
vía người chết mới qua được cửa trời (siêu thoát).
Trong đám tang của người đàn ông dòng họ Lò Kăm luôn
có một cây “tồn cảo” (một dạng cây trang trí gần giống như cây phướn,
thể hiện đẳng cấp dòng họ). Khi đưa tiễn người chết về nghĩa địa,
con cháu thường phải biện lễ xin một người vác cây “tồn cảo” đi theo,
sau khi chôn cất người chết thì cây “tồn cảo” đó vẫn được dựng ở
gần cạnh vị trí cửa vào rú mồ (nghĩa địa). Dù là mang một biểu
trưng đẳng cấp như vậy, ít ngày sau đám tang thì việc sắm sanh lợn
gà để làm lễ “páng chuộc” đối với Then Vi (tổ tiên của dòng họ Vi)
là việc bắt buộc phải có để hồn người chết được yên, cháu con mạnh
khỏe…
Từ một câu chuyện truyền thuyết khởi từ hình thành
trời đất và muôn loài, cuộc sống của người Thái Nghệ An, qua các lễ
nghi liên quan đến sự sinh và tử của các thành viên cộng đồng, người
ta vẫn thấy luôn tồn tại những sợi dây liên hệ dường như bén rễ từ
trong câu chuyện huyền thoại và mọc nhánh vươn cành trong cuộc sống
thực ngày nay. Truyền thuyết về sự hình thành và tiêu vong của các
“Kỷ nguyên” là một sự liên tưởng vừa đủ để người ta thấy được nét
khắc nghiệt của tự nhiên và xã hội đối với sự hình thành và phát
triển của bản của mường. Từ đây người Thái dù thuộc dòng họ Vi hay
Lò Kăm… sẽ thấy thêm yêu hơn bản mường, quê hương mình- nơi mà ở bất
cứ gò đất, đỉnh núi, con dốc hay dòng suối nào cũng mang dấu ấn
của tổ tiên trong một hành trình lập bản dựng mường và tranh đấu
sinh sôi qua hết Kỷ nguyên này đến Kỷ nguyên khác, và mãi mãi vẫn
còn luôn như thế!
Sầm Văn Bình
(Tạp chí "Văn hóa Nghệ An" số 253 ngày 25/ 9/ 2013, tr. 27-28)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét