Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

"Nhập vong" trong cách nghĩ của người Thái Nghệ An

 

(Ảnh từ internet)

“Nhập vong”, “áp vong”, “ngoại cảm”, “tìm hài cốt”… là những từ ngữ đã được sử dụng từ bấy lâu nay, và đã thấy xuất hiện khá dày đặc trên báo chí và các phương tiện truyền thông cách đây mấy năm. Cùng với các từ đó, người ta truyền nhau những thông tin cùng chiều hoặc trái ngược nhau về “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng, về việc công an khám xét nơi ở và bắt tạm giam “Cậu Thủy”…

Xã hội người Thái Nghệ An ghi nhận có ba đối tượng liên quan hoặc nhiều hoặc ít đến chuyện “nhập vong”- đứng đầu là thầy mo, thứ hai là những người “đột nhiên có khả năng ngoại cảm” và thứ ba là những người phụ nữ yếu vía.

Các thầy mo ở các bản của người Thái Nghệ An không biết gì về các từ “ngoại cảm”, “nhập vong”… nhưng công việc họ đã làm từ đời này qua đời khác cũng có tính chất na ná như vậy. Tuy nhiên, trong bản trong mường không ai là không biết câu thành ngữ đã truyền tụng từ rất xưa trong xã hội người Thái: “Hướn mỏ bo mí phả, ná mỏ bo mí hộ” (Nhà thầy mo không có vách, ruộng của thầy mo không có rào)- Câu này có ý nêu cho ai nấy biết rằng công việc của thầy mo, của những người làm nghề mo là một cái “nghiệp”. Theo đó, hễ đã theo “nghiệp mo” thì không dễ gì mà dứt bỏ, hễ có người đến gọi là phải đi làm “mo”, họ không chủ động được thời gian, nên tấm phên thưng nhà, cái hàng rào ngăn trâu bò phá ruộng… họ cũng không làm cho xong được. Từ phong trào “chống mê tín dị đoan” đâu như hồi 1958, nhiều thầy mo bị cấm hành nghề, bị thu hết đồ nghề, các nhà thờ nhỏ cùng các bàn thờ thầy tổ của họ đều bị phá đi. Từ đấy, họ hầu như không dám làm nghề mo, bởi chỉ cần động đến là bị quy cho hành động truyền bá mê tín dị đoan. Hiện nay, nhiều nơi có tìm hiểu và phục dựng lại lễ hội “xang khan” và gọi đó là lễ hội của bản mường- thực ra đó là lễ hội do các thầy mo đứng ra tổ chức. Để “nâng cao tay nghề” theo một dạng “cấp sắc” đặc biệt, thì cứ độ vài năm hoặc lâu nhất là chục năm, thầy mo phải tổ chức “xang khan” một lần. Thời đó, có nhiều thầy mo không dám tổ chức, bị ảnh hưởng đến sức khỏe, ốm lên ốm xuống hoặc có vị không qua được vận hạn của đời mình, đành nhắm mắt xuôi tay về với các bậc tiền bối của nghề mo…

Trong cuộc sống và sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của người Thái, hiện tượng “nhập vong” xảy đến với thầy mo trong các việc “làm mo” là một hiện tượng đương nhiên và cần phải có. Nếu không có sự “nhập vong” trong việc “làm mo” thì thầy mo đó sẽ không được tin tưởng, thầy mo sẽ bị coi là không thiêng. Qua việc “nhập vong”, thầy mo mới có thể đại diện cho một đấng siêu nhiên bí ẩn nào đó để phán bảo việc lành dữ cho gia chủ. Để có thể cho vong hồn “nhập” và phán bảo, thầy mo phải biện các lễ vật chỉn chu theo bài bản cần thiết của công việc đòi hỏi, sau đó ngồi hát những lời cúng theo các điệu “hắp” và “xến”. Trong quá trình hát bài “xến” của mình, thầy mo sẽ vời gọi các “vong” (hoặc là có cả âm binh) giúp đỡ mọi sự trong suốt hành trình trên cõi “ảo” để tìm vía, bắt vía, chuộc vía, dẫn vía v.v… giúp cho gia chủ. Khi gọi được vong về nhập, cả thân mình thầy mo sẽ run rẩy như “lên đồng”, rồi tiếp đó hoặc là sẽ cười lên một tràng khanh khách, hoặc vỗ tay đen đét, hoặc làm một vài hành động kỳ quặc khác. Người Thái hay gọi trạng thái đó là “ma nhập” (phí ma tư), lúc đó đôi mắt của thầy mo đầy vẻ bí hiểm, khác lạ hẳn đi và tránh nhìn thẳng vào mắt của người đối thoại; giọng phán bảo của thhầy mo cũng có thể khác hẳn chứ không như giọng nói ngày thường… và còn những biểu hiện kỳ quặc khác… Để hiểu những điều phán bảo của thầy mo, người nghe cần phải biết được những từ ngữ cổ xưa mà đến nay chẳng còn mấy khi được dùng, hoặc người nghe có thể hỏi lại một vài chỗ chưa rõ, hoặc cũng có thể đối thoại với “vong”. Tùy trường hợp mà sự “nhập vong” có thể diễn ra trong vài phút hoặc đôi khi là cả tiếng đồng hồ. Sau khi đã “phán bảo” những điều được cho là cần thiết thì “vong thăng”, tức là “vong” sẽ rời khỏi bản thể thầy mo, trả lại trạng thái tinh thần bình thường cho thầy mo để thầy tiếp tục làm việc. Thường thì thầy mo chẳng mấy khi nhớ lại được những gì “vong” đã phán, nên thầy thường hỏi lại nội dung cuộc đối thoại và giải nghĩa thêm những chỗ nào còn chưa rõ…

(Ảnh từ internet)

Hiện tượng “nhập vong” của thầy mo tuy chứa đầy bí ẩn nhưng lại trở nên quen thuộc trong đời sống của người Thái. Trong các bài cúng bái, khấn khứa của người Thái, thường có những đoạn nêu rất rõ ràng các “cam kết” giữa người sống với thần linh hoặc kể cả với gia tiên, ma rừng, ma suối… Thoạt biết đến những điều cầu mong khấn khứa, người ngoài hay nghĩ đến những từ như là “nhảm nhí” hoặc “dị đoan”- tuy nhiên tìm hiểu để biết thêm về “sự cam kết” thì sẽ thấy không phải như thế. Nghĩa là, người Thái không nhắm mắt đưa chân để mê muội tin theo một hiện tượng nào đó, kể cả “nhập vong”, mà cam kết của họ (với thần linh) phải được thực hiện ở một mức độ nào đó thì mới có thể chiếm được lòng tin của họ. Trong công việc của thầy mo, sự “nhập vong” được xác tín thông qua một loạt các hành vi và thủ thuật khác của thầy mo mà nếu không có “vong giúp” thì người ta cho rằng thầy mo khó có thể làm được. Ấy là các thủ thuật đại loại như dựng thẳng thanh kiếm cắm mũi nhọn vào bát gạo, dùng hạt gạo ném lên quả trứng gà để bói, hoặc thầy mo bất ngờ nhảy lên rất cao, hoặc nuốt ngọn lửa, nhai hòn than đỏ v.v… Tuy nhiên, có một sự xác tín cổ xưa, rất đỗi bình thường mà hay được sử dụng rộng rãi và luôn được coi là hiệu nghiệm, kể cả với những lời lẽ cao siêu khó hiểu của thầy mo hay là với những lời cầu mong dân dã của một ông thầy cúng bình thường: đó là gieo quẻ. “Quẻ bói” ở đây có thể là hai đồng xu, nhưng thường thì “quẻ” được lấy từ hai mảnh tre hoặc nứa khác lóng với nhau. Nếu sau khi khấn khứa, gieo được quẻ sấp ngửa thì coi như là ổn việc. Người bình thường thì thế, nhưng thầy mo nếu trong một việc khá trọng đại mà muốn khỏi hổ cái danh tiếng cao tay, thì thầy mo phải gieo được ba quẻ sấp ngửa liên tiếp. Đọc đến đây, bạn đọc có thể nghĩ đến sự ngẫu nhiên trong cách gieo quẻ, điều đó cũng chẳng sao. Tuy nhiên, người viết bài này từng chứng kiến một trường hợp cách đây chưa đến năm năm, lúc đó trong việc mo đang tiến hành, hình như thầy mo làm sai một công đoạn gì đó nên trái ý thần linh. Kết quả là hôm đó thầy mo gieo liên tiếp 11 quẻ mà không được một quẻ sấp ngửa nào, thầy mo hãi quá toát hết mồ hôi ra và đành miễn cưởng bỏ dở việc gieo quẻ để thực hiện tiếp các công đoạn khác cho xong buổi làm mo…

Đối tượng thứ hai liên quan đến chuyện “nhập vong” trong xã hội người Thái Nghệ An như đã nói, đó là các “nhà ngoại cảm”. Những “nhà” này khi xuất hiện có phần nào tương ứng với một số nhà “ngoại cảm” khác ở vùng đồng bằng, trong đó có cả trường hợp Phan Thị Bích Hằng. Thường là sau một trận ốm thập tử nhất sinh, hay sau một sự biến khá nghiêm trọng về sức khỏe, thì khả năng của những “nhà” này xuất hiện, được truyền tai nhau từ người này đến người khác và họ bắt tay vào việc “ngoại cảm”. Trong xã hội người Thái, những công việc “ngoại cảm” này tuyệt đối không liên quan đến hài cốt (vì người Thái kiêng, không có tục bốc mộ), mà chỉ xoay quanh mấy chuyện đoán điềm lành dữ, tìm lại vật rơi, tìm con trâu đi lạc trong rừng, v.v… Thường kết quả của cách “ngoại cảm” này dao động trên mức trung bình nên cũng được coi là tích cực. Ghi nhận thực tế có trường hợp tìm lại được con trâu đi lạc, hay bỗng dưng tìm lại được món đồ quý mà chủ nhân ngỡ đã bay biến từ lâu rồi. Tuy nhiên, có một vài nhà “ngoại cảm” muốn độc quyền nâng giá “dịch vụ” hay do có sự “cạnh tranh không lành mạnh” dẫn tới nói xấu nhau, rốt cuộc bản thân họ “mất thiêng” và chẳng còn mấy ai tìm đến để nhờ vả. Tệ hơn nữa, có “nhà ngoại cảm” còn “hành nghề” quá nhiệt tình, vượt cả ra ngoài phạm vi giới hạn của mình bằng cách “ngoại cảm” ra cả thủ phạm của các vụ ăn cắp vặt, gây mất đoàn kết giữa người này với người kia… Dĩ nhiên là các “nhà” này nhanh chóng bị bà con xếp vào hạng “dại không ai bằng”, bởi tự dưng lại gây thù chuốc oán lung tung…

Đối tượng cuối cùng dính dáng đến sự “nhập vong” trong xã hội người Thái là những phụ nữ được cho là “yếu vía”. Những phụ nữ này thường ở độ tuổi khoảng từ 16 đến trên 40. Trong hầu hết các đám tang của người Thái, những đối tượng này khi đến tham gia vào thời điểm đưa quan tài ra khỏi nhà (hoặc kể cả trước đó) thì thường khóc lóc quá thảm thiết và/ hoặc tự dưng bị ngất đi. Lúc đó những phụ nữ xung quanh thường phải nhanh chóng đỡ lấy họ và chăm sóc như đối với một người có bệnh tim bị ngất đột ngột. Rất có thể thể trạng của những phụ nữ này cũng liên quan đến bệnh tim ít nhiều. Tuy nhiên, sau khi được những người chăm sóc gọi ơi ới vào tai cho tỉnh lại, những phụ nữ này sẽ kể lại câu chuyện họ gặp được hồn người chết, cùng đi “đưa tiễn” người chết đến rú mồ (rừng nghĩa địa). Thường là khi đi đến “làng bản” của người chết, họ bao giờ cũng phải lội qua một con suối ngăn cách giữa “mường người” và “mường ma”. Đến đó, họ cũng nhìn thấy, gặp lại những người đã chết từ rất lâu… Hoặc họ giã giúp cho người này nắm thóc, khâu giúp cho người kia cái áo v.v… Sau, do nghe thấy có nhiều tiếng gọi ở bên “mường người” gọi hồn mình về nên họ tạm biệt người của “mường ma” và quay trở lại… Và thế là họ tỉnh lại. Những người “tái xổng” (chết tiễn đưa) này khi tỉnh dậy, trăm người như một, họ đều kể lại về những tình tiết liên quan đến “mường người” và “mường ma” như thế. Điều kỳ lạ hơn nữa là trong trạng thái ngất xỉu như thế, họ vẫn nhịp nhàng giơ tay thể hiện các động tác nhấc gánh, giã gạo, khâu vá… mà họ đang làm ở “mường ma” tại thời điểm đó y như trong đời thực.

Qua các tình tiết và những đối tượng nêu trên đây, dễ thấy rằng hiện tượng “nhập vong” trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người Thái chẳng phải là chuyện hiếm hoi gì. Và, cho dù không giải thích được bản chất của hiện tượng đó, người Thái đã có một ý niệm khá đúng đắn qua câu “quạt hướn ọc nhắc nhưa, nhượng xưa ọc việc phỉ” (bói ra ma, quét nhà ra rác). Tự thân sự việc là bí hiểm nhưng sự bí hiểm đó không thể thay thế cho nỗ lực của con người. Từ sự “cam kết” rành mạch với thần linh mà người Thái không cho phép cái gọi là thế lực siêu nhiên chi phối quá sâu vào đời sống của họ; thậm chí có lúc người Thái còn cả gan “bắt nạt” lại thần linh… Chính vì nhận thức được sự bình đẳng này mà người Thái luôn tìm được sự bình lặng trong tư duy, không để bản thân và gia đình, cộng đồng của mình bị dẫn dắt một cách quá đáng từ một sự kiện bí hiểm nào đó, cũng như không quá đam mê với một sự ngọt ngào giả trá không phải do nỗ lực của mình tạo ra… Và như thế, cuộc sống của người Thái xưa nay vẫn không ngừng đổi thay cùng vạn vật!./.

SẦM VĂN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét