Được biết, trên dải đất Việt Nam ngày nay vào thời xưa đã từng tồn tại ba quốc gia. Về đại thể thì miền Bắc là lãnh thổ Đại Việt (đặc trưng là văn hoá Đông Sơn), miền Trung là địa bàn của vương quốc Chăm Pa (văn hoá Chăm Pa) và miền Nam là một phần lãnh thổ của vương quốc Phù Nam (văn hoá Óc Eo). Vào thời ấy cương vực, bờ cõi, biên giới giữa các quốc gia cổ đại luôn là vấn đề không bao giờ rành mạch rõ ràng.
Vương quốc Chăm Pa, hay còn gọi là Chiêm Thành, là một quốc gia độc lập, tồn tại từ khoảng thế kỷ VI trên phần đất nay thuộc miền Trung
Việt Nam. Văn hóa Chăm Pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Campuchia và Ấn Độ đã từng phát triển rực rỡ đến ngày nay, cho thấy ảnh hưởng của Ấn Độ giáo
và Phật giáo là hai tôn giáo chính của chủ nhân vương quốc Chăm Pa xưa.
Nghệ An là tỉnh có khoảng cách khá lớn chỉ riêng tính từ
Bình Định trở vào, nên có thể ghi nhận một cách khiêm tốn đối với những yếu tố
liên quan đến văn hoá Chăm Pa- Óc Eo. Ở Nghệ An các cổ vật của văn hoá Chăm Pa
rất hiếm gặp nhưng vẫn có. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin được đề cập đến
một vài cổ vật Chăm xuất hiện gần đây trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Trên trang bìa cuốn "Địa chí huyện Quỳ Hợp" có in
hình chụp một bức tượng thoạt trông cũng biết ngay là một cổ vật điêu khắc Chăm
Pa. Về cổ vật này, ở Chương II- "Dấu vết lịch sử trên đất Quỳ Hợp",
mục V- "Những ngày sơ sử - Văn hoá Đông Sơn" PGS Ninh Viết Giao có
lời chú thích như sau: "…cũng thời gian đó (1971), một anh bạn cho tôi một
tượng Phật ngồi trên bệ thân rắn. Rắn bảy đầu kết thành hình lá đề che cho ông
Phật. Tất cả đều bằng đồng, phát hiện ở xã Nghĩa Xuân gần Nông trường 3/2.
Tượng này cũng đang được lưu giữ tại kho của Bảo tàng Nghệ An"[1].
Bức tượng Phật này mang đậm các đường nét đặc trưng nổi trội của nghệ thuật
điêu khắc Chăm (Thể hiện thần Indra ngồi trên mình rắn thần Naga). Thông tin về
cổ vật Chăm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chỉ được biết với mấy dòng vỏn
vẹn trên đây.
Đầu năm 2010, tác giả bài này được một người dân tộc Thái
nhóm Tay Thanh hỏi về mấy cổ vật mà gia đình, họ hàng đã dày công lưu giữ qua
nhiều thế hệ. Qua việc tiếp cận, nhận định bước đầu của chúng tôi cho rằng đây
là các hiện vật cổ thuộc về văn hoá Chăm Pa, mặc dù chúng đang được sở hữu bởi
những người dân Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An). Tổng cộng có sáu cổ vật nhưng một cổ
vật đã bị hỏng hoàn toàn không còn rõ đường nét chạm khắc nào cả, chỉ còn lại
năm cổ vật là có thể dùng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu. Cả năm cổ vật đều cùng
có hình tròn/ bầu dục, đường kính từ 5- 12 cm, bề dày dao động từ 1,5- 3cm,
trọng lượng khá nhẹ so với kích thước. Về chất liệu chế tác thì có vẻ như là
một hỗn hợp của nhựa cánh kiến và sáp ong nên có màu nâu đen… Nói chung là các
hiện vật này khá bền, nhẹ, khó cháy và không thấm nước. Cả năm cổ vật đều có
hình chạm khắc ở một mặt, còn mặt kia có hình các ký tự, với 8 ký tự độc lập
được xếp theo hàng ngang thành hai dòng riêng biệt, mỗi dòng 4 ký tự- tuy chưa
tìm hiểu được ý nghĩa nhưng dễ nhận ra các ký tự thuộc tự dạng Sanskrit, được
chạm khắc rất đẹp và tinh xảo. Các ký tự được bao bởi hai hình bát giác thể
hiện như một đường viền kép tạo bởi các đường gấp khúc chạm nổi theo đường chu
vi của hiện vật. Đáng chú ý là các hình chạm ở mặt phía bên kia của hiện vật.
Có ba hiện vật có các hình ảnh chạm khắc giống nhau, thế
nhưng bởi kích thước của ba hiện vật không bằng nhau, cho nên các hình ảnh chạm
khắc giống nhau về chi tiết, nhưng vẫn khẳng định được là mỗi hiện vật đều được
chạm khắc hoàn toàn theo phương pháp thủ công chứ không thể sử dụng phương pháp
tạo tác hàng loạt được. Các hình ảnh chạm khắc này cũng được bao bởi hai hình
bát giác chạm nổi như mặt bên kia. Theo chiều thẳng đứng từ dưới lên trên, có
thể chia hình ảnh chạm khắc được bao trong đường viền bát giác thành hai phần.
Phần dưới, bám theo các cạnh của đường viền hình bát giác (chiếm tỉ lệ 5/8
cạnh) là một cung tròn thanh thoát với hai phần kết thúc bên trên được trang
trí thành các nét, các mảng tròn được thu nhỏ dần từ dưới lên, tạo cảm giác nhẹ
nhàng. Có thể cho đó là một mũi thuyền, một quyền trượng, hoặc một nhành hoa…
đều được. Khoảng trống còn lại của 1/3 phần dưới hình chạm khắc là hình biểu
trưng của những con sóng biển với các ngọn sóng được lượn gần như thành hình
tròn tạo một cảm giác thanh bình; bên dưới các ngọn sóng đó là hình phần đầu
của hai con cá kình (hoặc là hình rắn biển) châu vào nhau. Khoảng không gian
thứ hai của hình chạm khắc là cảnh hoành tráng nhất, với hình khắc tả thực một
ngôi đền uy nghi trông như nổi trên mặt biển. Phần giữa hình khắc ở không gian
trung tâm là cổng đền; và ở hai cạnh, mỗi bên của cổng đền có 7 hàng cột lớn
xếp theo chiều cao dần từ ngoài vào trong; non nửa phần phía trên của mỗi cột
là phần chạm khắc trang trí (hình rồng rắn hay thần linh gì đó, không phân biệt
rõ lắm). Các cặp hàng cột được xếp theo tư thế chụm phần ngọn vào với nhau,
khiến cho ngôi đền mới thoáng trông cũng đã thấy vô cùng vững chãi. Còn khoảng
không gian giữa hai cột gần nhất được trang trí lấp đầy bằng hình các cánh hoa
sen[2]. Các cánh hoa sen này cũng tạo thành điểm tựa cho
bốn con cá ngựa rất lớn. Bốn con cá ngựa ở bốn góc, quay mặt vào nhau và làm
thành bốn chân trụ nâng đỡ cho một cái bệ lớn, trên bệ này lại đặt một đài sen (có
chân) còn lớn hơn cả bệ bên dưới, các cánh sen vươn cao và thu nhỏ dần, ôm ấp
cho cái chóp của ngôi đền…
Được biết, các nhóm đền tháp Chăm Pa bao giờ cũng có một
nhóm, một tổng thể hoàn chỉnh phản ánh vũ trụ quan Ấn Độ. Theo đó, vũ trụ có
hình vuông, chung quanh có núi và đại dương bao bọc, chính giữa là một trục
xuyên đến mặt trời. Các công trình trong tổng thể được bố cục theo một đường
trục chạy giữa, hướng chính là hướng đông - hướng của thần thánh, của sự sinh
sôi nảy nở. Giai đoạn hình thành mẫu
đền này là được gọi tên theo phong cách Bình Định hay Tháp Mẫm (thế kỷ XII-XIII).
Nổi bật là tính hoành tráng và những đặc trưng thống nhất dễ nhận biết bởi các
tác phẩm. Các thiết kế kiến trúc với các đường nét sắc sảo nhất là các đường
tròn uốn lượn dần dần chuyển sang phong cách mạnh mẽ với các hình khối ít chạm
trổ cho thấy ấn tượng mạnh mẽ nhưng dường như ít nét tinh tế hơn nếu so sánh
với phong cách Mỹ Sơn A1. Trung tâm của một nhóm đền tháp bao giờ cũng
là một đền thờ lớn kalan được xây dựng lớn nhất, quy mô nhất (như hình chạm
khắc được trình bày trên đây là một kalan?). Kiến trúc này có mặt bằng cơ bản
hình vuông, bốn hướng có 4 cửa, nhưng chỉ có một cửa ra vào mở theo hướng chính
của cả nhóm đền tháp là hướng đông, còn các cửa khác là cửa giả xây nhô ra trên
mặt các bức tường. Một kalan thường có ba phần: đế, thân và mái- tượng trưng
cho ba thế giới: trần tục (Bhurloka), tâm linh (Bhurvaloka) và thần linh
(Svarloka). Các tầng và các mặt tường kalan được trang trí bởi nhiều đề tài, mô-
típ trang trí ngay trên gạch xây dựng hoặc bằng đá sa thạch. Phần chân đế trang
trí các đồ án hoa lá (trường hợp cụ thể ở đây là các cánh hoa sen), hình voi,
sư tử, những vòm cuốn nhỏ chạm hình tượng kala - makara hoặc các cảnh vũ nữ
apsara và nhạc công. Phần thân kalan: bề mặt ngoài trang trí bằng những trụ áp
tường, mỗi mặt tường thường có 5 trụ áp tường (cụ thể ở đây là 7) mà trụ chính
giữa bị cửa giả che khuất. Trong ô cửa giả bao giờ cũng có phù điêu hình người
đứng cầu nguyện (cụ thể ở đây là bốn con cá ngựa). Mái kalan có ba tầng và một
đỉnh. Các góc của tầng thứ nhất và thứ hai dựng bốn tháp góc. Tầng cuối cùng
không có tháp trang trí góc mà đỡ một chóp đá lớn (àmalaka) tượng trưng cho
đỉnh núi Kailàsa - nơi cư ngụ của thần Siva. Trước kia các chóp đá này thường
dát bọc vàng bạc để chứng tỏ lòng thành kính và sự tôn quý. Điều làm chúng ta
kinh ngạc là tất cả thế giới (vũ trụ quan) vừa trình bày trên đây chỉ được chạm
khắc trên một diện tích chừng độ 40cm2, và ứng với mỗi hiện vật là
một lần người nghệ nhân phải trực tiếp ra tay chạm khắc.
Hai hiện vật còn lại có kích thước nhỏ hơn, một bên mặt cũng
là các ký tự, nhưng không còn dễ phân biệt; mặt bên kia cũng có các hình chạm
khắc. Hai hiện vật này (một lớn và một nhỏ) cùng đều được chạm khắc hình linh
vật đầu voi. Đường viền bao quanh linh vật là đường chạm đơn hình tròn, bám theo
cạnh chu vi của hiện vật, chứ không phải hình bát giác như các hiện vật trên
kia. Hiện vật lớn hơn chạm khắc hình
linh vật trông nghiêng, quay mặt về bên
phải. Hiện vật nhỏ hơn chạm khắc
hình linh vật trông nghiêng quay mặt về bên
trái. Do hai hình khắc thể hiện linh vật có một số đường nét giống nhau
nhất định, nên ở đây chúng tôi chỉ trình bày cặn kẽ về hình khắc thể hiện trên
hiện vật lớn hơn.
Hình tượng linh vật được chạm khắc trong tư thế đứng, hình khối
đầy vẻ uy nghi kiêu hãnh và thanh thoát, khỏe mạnh. Linh vật mang hình đầu voi đứng
quay mặt về bên phải, nhìn thẳng về phía trước; đầu thanh, mắt nhỏ, trên đầu
được trang trí vương miện có chóp nhọn thể hiện quyền uy, mỗi bên tai bị che
bởi một bông hoa cách điệu với bốn cánh như bốn tấm giáp đồng nằm ngay phía sau
vương miện, vòi voi dài và thanh với nét lượn cong ở phần đầu vòi, hai ngà thon
nhọn và vươn thẳng về trước. Phần thân của linh vật mang dáng thân ngựa chiến (hoặc
sư tử), trông như được bọc trong giáp đồng, có đầy đủ cả bờm ngực và bờm cổ, lưng;
còn đuôi được chạm khắc theo kiểu vòng xoáy âm dương cách điệu thành đuôi ngựa.
Phần giáp bảo vệ ức cũng được trang trí thành một bông hoa lớn có bốn cánh bằng
đồng. Ở vùng mông của linh vật cũng được
trang trí bởi một chuỗi vòng lục lạc lớn, các lục lạc được đính quanh một cái
đai đồng. Bốn chân của linh vật to, ngắn vững chãi, nghiêm trang, hai chân bên
phải có móng guốc như ngựa nhưng hai chân trái nhìn lại có vuốt như sư tử. Linh
vật đứng trên một toà sen nhỏ với 9 cánh sen, hai bên toà sen có hình vẽ trang
trí thêm bằng các tua nhỏ vươn cao lên và uốn cong vào, tạo cảm giác cho toà
sen gần giống một chiếc thuyền bơi trên sóng biển.
Những tác phẩm điêu khắc Chăm thường mang ý nghĩa tôn giáo,
được khắc tạc theo những câu chuyện của thần thoại Ấn Độ. Nghệ thuật tạo hình
thiên về những con thú trong huyền thoại, trong đó con voi là hình tượng rất
phổ biến. Voi là con vật quen thuộc, được sớm thuần phục bởi con người. Voi còn
là biểu tượng của vật linh trong Ấn Độ giáo, là vật cưỡi của thần Inđra. Cùng
với việc tôn thờ voi theo giáo lý tôn giáo, người Chăm còn coi voi là bạn hoặc
ân nhân của con người. Chính vì thế, hình tượng linh vật đầu voi được thể hiện
rất phong phú, sinh động. Linh vật được khắc tạc cùng với thần Inđra, khi thể
hiện độc lập, khi thể hiện từng cặp trên bệ thờ, đi thành từng đàn trên các dải
băng trang trí ở các tháp Chàm (ở đây là hình tượng độc lập). Người Chăm cũng
khắc tạc linh vật đầu voi với nhiều loại hình như tượng, phù điêu, đất nung
trang trí (ở đây là hình chạm- phù điêu)…
Hình tượng linh vật với tên gọi là Ganesa có nghệ thuật tạo hình là đầu voi mình người. Ganesa là một
vị thần Ấn Độ giáo được tôn sùng phổ biến. Theo một giai thoại, Ganesa là vị
thần tùy hành của thần Siva, do thần Siva tạo từ ngọn lửa thần trên trán của
mình mà thành. Ganesa được vợ của Siva tạo tác, vì gặp sự cố nên cái đầu rụng
mất, được thần Visnu chắp cho một cái đầu voi, cho nên thần được thể hiện mình
người đầu voi. Thần là hiện thân sự thông minh và trí tuệ của thần Siva. Người
ta coi Ganesa là vị phúc thần ban nhiều điều tốt lành; vì vậy ngoài người Chăm,
vị thần này còn được nhân dân nhiều nơi ở các nước châu Á tôn thờ như Giava,
Tây Tạng, Ấn Độ… Còn với hình tượng linh vật nêu trên đây lại mang tên gọi là Gajasimha, nghệ thuật tạo hình là đầu
voi mình sư tử (hoặc mình ngựa). Đây là linh vật lưỡng hợp mạnh mẽ vô song, kết
hợp sức mạnh của sư tử (hóa thân của thần Visnu) và voi của thần Inđra. Trong
nghệ thuật điêu khắc Chăm, loại hình này khá phổ biến. Những hình chạm linh vật
Gajasimha này mang phong cách Tháp Mẫm của Bình Định ở thế kỷ 12- 14. Hình
tượng linh vật đầu voi cũng được thể hiện thành phù điêu trên các phiến sa
thạch trang trí trên tháp ở các chùa; cũng phát hiện được phù điêu linh vật đầu
voi làm bằng đất nung…
Một câu hỏi có thể được đặt ra: vậy thì các hiện vật này là
gì? Đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi này cần phải có sự nghiên cứu,
so sánh tìm tòi tỉ mỉ hơn so với dung lượng của một bài viết sơ sài. Tuy nhiên,
căn cứ vào kích thước, kiểu dáng và các đường nét chạm khắc…, tạm thời được
biết đây là những linh vật có ý nghĩa to lớn về tôn giáo, tín ngưỡng.
Những năm 1446- 1470, quân Đại
Việt và quân Chăm Pa đã có nhiều lần giao tranh. Năm 1471, thành Vijaya thất
thủ. Vua Chăm bị bắt sống và chết trên đường chở về Thăng Long. Ít nhất hơn sáu
vạn người Chăm bị giết và ba vạn bị bắt. Năm 1802, sau khi lên ngôi, hoàng đế
Gia Long đã cho phép chúa của người Chăm được quyền có quân đội và chế độ thuế
má riêng và giao cho Po Saong Nhung Ceng cai trị tiểu quốc này… Thế nhưng năm
1832 người Chăm lại nổi dậy chống lại vua Minh Mạng lợi dụng dịp có cuộc khởi
nghĩa Lê Văn Khôi ở phía Nam, nhưng không thành công… Lịch sử vương quốc Chăm
Pa chính thức dừng lại ở đây.
Vẻ đẹp rực rỡ của nền văn minh
Chăm Pa nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta tự hào
khi thấy rằng "tài sản" văn hoá đó không phải là một cái gì quá trừu
tượng xa vời mà có thể ngắm nhìn và cảm nhận mọi góc độ trong vẻ đẹp của nó, cùng
chung một sự đồng cảm với các nghệ nhân đã tạo tác nên một vũ trụ lặng thầm của
văn hoá Chăm Pa[3]./.
SẦM VĂN BÌNH
[1]
"Địa chí huyện Quỳ Hợp", Ninh Viết Giao chủ biên, Nxb. Nghệ An, năm
2003, trang 103.
[2] Theo thần thoại Ấn Độ, thần Vishnu đang nằm ngủ ở dưới đáy biển,
trên giường là rắn thần Sesha. Một bông hoa sen từ từ mọc lên từ rốn của thần.
Thần Brahma từ từ đứng lên trong bông hoa sen đó để tạo ra cả vũ trụ này.
[3] Các
thông tin về lịch sử được dẫn từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Cham_Pa/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét