Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

"Thằm Mẻ Mọn" mãi còn ngân nga

 
(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, từ internet)

Thằm Mẻ Mọn (hang Mẻ Mọn) nằm tại địa phận bản Chiêng, xã Quang Phong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), đã từng có thời được gọi là "Đệ nhất động Nghệ An". Theo lời một cán bộ làm công tác Văn hoá- Thể thao- Du lịch huyện Quế Phong, dù đã từng "nổi danh" như thế nhưng Thằm Mẻ Mọn đã trở thành "nàng công chúa" ngủ quên nhiều năm trong rừng mà không được ai đánh thức. Thế nên khi hỏi những người dân sinh sống ở ngay thị trấn Kim Sơn (trung tâm huyện Quế Phong, Nghệ An) về "đệ nhất động" hang Thằm Mẻ Mọn nhiều người đều lắc đầu trả lời: không biết.

Thông tin trên báo chí gần đây đã bắt đầu "đụng chạm" đến Thằm Mẻ Mọn, và cả theo lời một số người dân sở tại, có một giai đoạn đã tồn tại cách lý giải cho rằng từ Thằm Mẻ Mọn mang nghĩa là "Hang Con Tằm", vì từ "mẻ mọn" trong tiếng Thái nghĩa là "con tằm". Vậy là nhiều người khi lặn lội vào tận hang đã thắc mắc tại sao Thằm Mẻ Mọn hầu như không có một nét gì liên quan đến Con Tằm cả. Thực ra, "Mẻ Mọn" là một từ tiếng Thái được rút gọn từ thành ngữ Thái cổ "Mẻ Mọn hó xuối"- chỉ về người phụ nữ giỏi chăn tằm dệt vải, giỏi canh cửi, hát ca (ngoài cách gọi này còn có các cách gọi khác như "Nang Mọn"- Cô gái khéo chăn tằm; "Nang Nhơ"- cô gái giỏi kéo tơ). Tại nhiều mường của người Thái cũng đã từng lưu truyền thành ngữ này, nhưng đến hôm nay nhiều người Thái đã quên mất hai từ "hó xuối" ở phía sau khiến cho thành ngữ đó bị hiểu sai theo nghĩa đen. Bản nào của người Thái cũng có một cái sàn thấp do trai gái tự dựng lên làm nơi gặp gỡ, giao lưu, thêu thùa, đan lát… thường gọi là "hạn huổng". "Hạn" là cái sàn, "huổng" là nơi hội tụ. "Hạn huổng" còn được gọi là "huổng bảo xáo"- nghĩa là nơi hội tụ, hẹn hò, vui chơi của lứa tuổi thanh niên trong và ngoài bản. Còn "huổng mẻ mọn"- nơi hội tụ, giao lưu của các bà các cô đã có chồng- thì hiếm lắm, may ra phải dăm ba mường mới có được một nơi được đặt tên như vậy. Trong Trường ca Khủn Chưởng nổi tiếng từ xa xưa cũng đã nhắc đến một "huổng mẻ mọn" với các lời thơ khiến người Thái nào cũng phải xao xuyến khi được đọc: "Hỡi trai gái trẻ chúng ta ơi!/ Bước chân về chiềng làm Nàng Mọn/ Quây quần về làm chị Nàng Nhơ/ Tất cả hãy đi ném còn tua ngũ sắc/ Mỗi bờ sông đều rộn tiếng reo cười/ Thấy ngời ngời nàng Ngọm Muồn[1] ngọc ngà đi tới/ Thấy lông mày nàng cong vút như trăng mồng ba/ Khuôn mặt nàng sáng tựa gương soi/ Đám con gái ngân tiếng hát xuối vang vọng/ Đám trai choai thổi sáo ngân khèn/ Ai Quàng[2] gọi từ ngoài gọi đến/ Rồi vào trong thưa lời với chủ/ Rằng trăng sáng có nhiều con gái đến đấy chơi vui/ Ta cùng đến đấy chơi vui cùng họ được không chủ Nhì[3] ơi?". Tiếp sau đoạn này là tình tiết Khủn Chưởng vào nhà trong xin phép vợ để được đi chơi hội…

Hãy cùng đọc trích đoạn những lời miêu tả của một nhà báo khi được người dân dẫn đường đưa đến tận Thằm Mẻ Mọn để chiêm ngưỡng: "Từ ngoài vào trong, từ tầng trệt lên các tầng trên, …có vô số nhũ đá thành sa bàn kỳ vĩ. Ở đó có cụm tượng đá tự nhiên lưu giữ dáng hình cặp vợ chồng ngồi bên nhau. Nàng bụng mang dạ chửa nép bên chàng để được chở che. Cạnh đó có phiến đá bằng phẳng là giường nằm. Trên giường có đôi gối bằng đá như minh chứng cho quy luật một vợ một chồng là nền tảng bền vững của hạnh phúc gia đình. Quanh sa bàn "treo" nhiều bức phù điêu, có thể nhận thấy đàn voi hùng dũng bước, đàn khỉ đu cành, ả gà mái nằm ổ, gã sư tử ngủ ngồi… Đặc biệt, một mô hình bản Thái cổ với những thửa ruộng bậc thang, với Phóng nọc (bãi bằng) đủ hằng trăm dân bản hội họp, với Phóng phanh han để gái tú trai thanh múa sạp ném còn. Tại đây có dàn đàn đá ta chạm tay vào liền phát ra âm thanh quyến rũ… Một loạt hình dáng mờ ảo nhìn được và chạm được ấy đều do bàn tay của "kiến trúc sư" tạo hoá khắc tạc trên vách, trong các hàm ếch của mấy tầng hang. Điều tôi hết sức ngỡ ngàng là, công trình này hiện hữu ít nhất cũng đã hàng vạn năm. Trong khi người Thái cổ đầu tiên đến lập bản dựng mường tại xứ Nghệ cũng chỉ tính bằng ngàn năm. Vậy "kiến trúc sư" tạo hoá đã tạo tác hoàn hảo nên mô hình một bản Thái cổ trù phú thanh bình!"...
Riêng với người dân ở bản Chiêng thì họ kể về những tích truyền liên quan đến Thằm Mẻ Mọn như sau: "Chàng Mó Phan tuấn tú khôi ngô đã thề thốt yêu đương với nàng Vi Xốm đẹp người đẹp nết, vậy mà hai bên gia đình ngăn cản không cho chàng cưới nàng làm vợ. Một hôm nàng cho chàng biết nàng đã mang thai, hai người đành phải rủ nhau trốn vào đại ngàn để tránh hình phạt của chủ mường và dân bản. Họ phải ăn đói nhịn khát, lội suối trèo non. Một ngày nọ họ dừng chân khi gặp được cái hang giữa chốn đại ngàn. Ban ngày chàng đi tìm thức ăn nước uống, nàng bụng mang dạ chửa ở lại trông "nhà". Chiều tối chàng về sum họp bên bếp lửa hồng và họ cùng sung sướng nghĩ tới ngày được bồng bế con thơ. Thế nhưng một chiều kia chàng trở về mà không thấy người yêu đâu nữa. Suốt mấy tháng chàng tìm người yêu giữa đại ngàn vắng lặng nhưng rồi vô vọng, chàng đành quay trở về bản cũ. Thời gian trôi đi, chàng trở thành "quan mường" đức độ, được dân tin yêu, nhưng không thể quên người tình cũ. Vào một dịp đầu xuân năm ấy, không cầm lòng được, “quan mường” lệnh truyền hết thảy phụ nữ đã có chồng, cùng độ tuổi với Vi Xốm, đến tập trung tại cái "hang hạnh phúc" của chàng để cùng hát giao duyên, hát các làn điệu xuối nhuôn của người Thái. Chàng Mó Phan nhập hội với cánh đàn ông bên ngoài, ngỡ như thấy nàng Vi Xốm đang có mặt hát ca cùng đám các bà "Mẻ Mọn" ở trong hang. Lòng chàng dịu lại, vơi nhẹ phần nào nỗi đau xót biệt li trong khung cảnh tươi mới của mùa xuân, trong âm thanh rộn ràng vang ra từ Thằm Mẻ Mọn".

Thời xưa, hôn nhân của trai gái Thái phải nghe theo sự sắp đặt của gia đình. Vậy nên từ ngày mở hội Thằm Mẻ Mọn vào đầu xuân năm ấy, khắp chín bản mười mường đều có những anh, những chị mong được một lần quay lại Thằm Mẻ Mọn để có cơ may gặp lại bóng hình yêu dấu thuở xưa. Nỗi niềm riêng của chàng Mó Phan đã tìm được một không gian hội tụ với nỗi niềm chung của trai mường gái bản… Từ đó về sau, dân chín bản mười mường gọi hang ấy là Thằm Mẻ Mọn. Mồng bảy tháng Giêng âm lịch hằng năm mở Lễ hội đầu xuân ngay tại hang ấy. Thằm Mẻ Mọn trở thành một trong những "Huổng Mẻ Mọn" nổi tiếng nhất trong cả "chín mường Thái ở dưới gầm trời" theo cách ví von của người Thái ngày xưa.

Cùng với thác Xao Va, thác Bảy Tầng, Đền Chín Gian, rừng nguyên sinh Nậm Giải, khai thác hang Thằm Mẻ Mọn sẽ tạo cho Quế Phong cụm vật thể để khai thác Du lịch rất tốt. Được biết, nay nhà nước đã đầu tư làm con đường Quốc lộ từ xã Châu Thôn đi qua xã Quang Phong rồi nối sang huyện Quỳ Hợp để đi xuống vùng xuôi. Mong rằng, nhiều du khách gần xa sẽ có dịp được chiêm ngưỡng hang Thằm Mẻ Mọn. Tiềm năng du lịch của huyện Quế Phong cùng với những bước đi kịp thời, phù hợp của lãnh đạo huyện sẽ làm cho du khách liên tưởng đến hình ảnh chàng hoàng tử đang đến đánh thức "nàng công chúa ngủ trong rừng" đã hơn nửa thế kỷ nay. Với lại, Thằm Mẻ Mọn sẽ mãi còn ngân nga, vì đâu chỉ có riêng người Thái ở huyện Quế Phong mới mong có dịp gặp lại bóng hình yêu dấu thuở xưa?…

SẦM VĂN BÌNH



[1] Ngọm Muồn: về sau làm vợ của Khủn Chưởng.

[2] Ai Quàng: người nhà của Khủn Chưởng.

[3] Chủ Nhì: là Tạo Nhì, tức là Khủn Chưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét