Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Qua một tình tiết trong Anh hùng ca Khủn Chưởng

 

Trong một dịp tình cờ cách đây mấy năm tôi được đọc một bài viết đề cập đến cuốn sách “Trường ca Khủn Chưởng”, sau khi sách vừa mới được xuất bản. Cuốn sách này do GS, TSKH Phan Đăng Nhật chủ biên, Vi Văn Kỳ cố vấn, cùng nhiều cộng sự khác (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 2005). Sách dày 750 trang, bìa cứng có in ảnh buổi diễn xướng sử thi Khủn Chưởng ở xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) vào ngày 21/ 8/ 2005.

Tác giả Đăng Văn cho biết: “Ngoài bài nghiên cứu bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tác phẩm Khủn Chưởng được trình bày bằng ba thứ chữ: chữ Quốc ngữ, chữ Thái cổ Quỳ Châu và chữ Thái La tinh… Người Thái một số vùng ở Đông Nam Á cũng có thể đọc một hoặc hai loại chữ Thái trên. Ngoài ra các nước có thể đọc bài nghiên cứu bằng tiếng Anh để hiểu biết về bản anh hùng ca này. Khủn Chưởng là một trong bộ ba anh hùng ca Chương của người Thái ở Thái Lan, Lào và Việt Nam. Bộ ba đó là Thạo Hùng- Thạo Chương lưu truyền ở Thái Lan và Lào, Chương Han lưu truyền ở Tây Bắc Việt Nam và Khủn Chưởng lưu truyền ở Quỳ Châu, Nghệ An”.

Chữ Thái cổ Quỳ Châu, tức là loại chữ Thái thuộc hệ chữ Lai- Tay, đã được Robequain nhắc đến trong sách Tỉnh Thanh Hóa (Le Thanh Hóa) năm 1929. Tuy nhiên, hiện nay, không nhiều người đọc và viết được bộ chữ này và hiện nó tồn tại rải rác, lẻ tẻ trong các sách chép tay, và khoảng mười năm trở lại đây đang dần được khôi phục lại và truyền bá trong cộng đồng. Việc chép anh hùng ca Khủn Chưởng bằng chữ Thái cổ Quỳ Châu, in trang trọng hàng mấy trăm bản trên giấy tốt, có tác dụng tôn vinh và lưu giữ một sản phẩm văn hóa của tổ tiên, truyền lại cho con cháu nhiều đời sau. Gần 5 năm, GS, TSKH Phan Đăng Nhật cùng Ban sưu tầm và biên soạn đã làm việc rất kiên trì với quyết tâm cao. Nhờ đó Khủn Chưởng tưởng như mất hẳn đã được cứu sống. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu đã đánh giá cao công lao này: "Khủn Chưởng sắp bị mai một hẳn, nếu chúng ta không kịp thời sưu tầm thì chỉ ít lâu nữa là vĩnh viễn không bao giờ cứu vãn được di sản quý báu này".

Sau khi được đọc bản in, tôi lại may mắn được đọc một bản chép tay (phiên ngữ la- tinh) của trường ca Khủn Chưởng. Đây chắc hẳn là một trong số các dị bản đã được người dân ghi chép lại. Cần phải nói thêm một điều rằng, cho dù cuốn sách “Trường ca Khủn Chưởng” đã được xuất bản như thông tin đã nêu trên đây, thì việc tìm cho được một cuốn sách để đọc không phải là điều đơn giản. Dường như sau khi được xuất bản, cuốn sách “quý hiếm” này đã nhanh chóng “lặn” vào trong kho tàng văn hoá tiềm ẩn của người Thái. Rõ ràng là cho đến thời đại hôm nay, bản tính “cất giữ sách quý” trong dòng chảy văn hoá của người Thái vẫn đang còn dào dạt lắm.

Bản “Khủn Chưởng” chép tay này dài tổng cộng cả thảy 3041 câu thơ, được ngắt nhịp theo thể diễn xướng. Đã được đọc qua cả nghìn trang văn bản tiếng Thái với đủ các thể loại mo, nhuôn, khắp... nhưng thoạt đầu tôi đã rất ngạc nhiên trước một nội dung khá lạ lẫm, xen kẽ các đoạn nhịp mang đậm nét hành trình trận mạc… Nguyên do bởi đây không đơn thuần là một bản trường ca, mà còn là một bản anh hùng ca.

Về hai nhân vật Tạo Hùng- Tạo Chương (cũng còn được gọi là Thạo Hùng, Thạo Chương hay Thao Hùng, Thao Chương) trong bản viết tay này, như James R. Chamberlain đã viết: "Khối lượng và chất lượng thơ ca đã đem đến cho nó một tầm cỡ có thể xếp vào trong hàng những kiệt tác văn chương thế giới, tương đương với anh hùng ca Ômer của Hy Lạp như Iliat, Ôđitxê hay các anh hùng ca của Ấn Độ, Ramayana và Mahabharata" (Bài đề dẫn hội thảo anh hùng ca Thạo Hùng- Thạo Chương tại Thái Lan năm 1994). Tác giả Đăng Văn đã không ngần ngại để nêu rằng, phải chăng chúng ta cũng có thể nói như vậy về Khủn Chưởng, người anh em song sinh của Thạo Hùng - Thạo Chương: "là một kiệt tác văn chương thế giới, có thể sánh ngang với anh hùng ca Ômer,...". Chính vì lý do này mà GS, TSKH Phan Đăng Nhật đã dùng thuật ngữ "anh hùng ca" để chỉ Khủn Chưởng. Theo đó, Khủn Chưởng là anh hùng ca thuộc tiểu loại thiết chế xã hội, đã thể hiện hai trong số ba đề tài cơ bản của tiểu loại này: lấy vợ và đánh giặc.

Tình tiết của đề tài “lấy vợ” được nhấn mạnh ở chỗ mặc dầu đã hẹn ước với nhau từ trên trời (Mường Then) nhưng do mải la cà dọc đường, lập các chiến tích như bắt rồng ở Nong Xang, vào cánh đồng Tồng Cắc- Tồng Co vui chơi cùng trai thanh gái đẹp trên mường trời v.v…, nên Khủn Chưởng xuống sau Nàng Xi Đà. Thời gian vui chơi trên mường trời ngỡ ít, nhưng với trần gian thì đã hơn chục năm trôi qua nên Nàng Xi Đà (trong bản chép tay này còn mang tên Am Pim) đã ở tuổi trăng rằm trong khi người chồng là Khủn Chưởng vẫn còn đang ẵm ngửa. Bởi thế, cảnh nàng Am Pim chăm sóc chồng được tả hệt như người mẹ chăm sóc con trai: “Ra bến nước, vạch cát cho chồng chơi; Vào buồng trong, dỗ giấc cho chồng ngủ”. Ta thấy Khun Chương bẩm sinh là một anh hùng trận mạc nên "Được một năm biết vỗ tay cười đùa/ Được hai năm biết chập chững quanh mâm mây/ Được ba năm biết đuổi gà bay lên núi/ Được bốn năm đuổi lợn rông quanh bản"- nhưng: "Được 5 năm biết đi giành lấy mường người về tay".

Sự chênh lệch tuổi tác giữa “vợ” và “chồng” như trường hợp này rất hiếm gặp trong văn học của các dân tộc khác, cả trong nước và trên thế giới. Liên tưởng duy nhất có thể có được là câu chuyện về vua Ơ- đíp trong Thần thoại Hy Lạp mà cho đến nay nhiều vị học giả vẫn luôn nhắc đến hiện tượng “mặc cảm Ơ- đíp” rất nổi tiếng trong các nghiên cứu về huyền thoại, thi pháp…

Tình tiết của đề tài “đánh giặc” được nhấn mạnh ở một điều kiện được nêu ra khi Tạo Hùng đem quâ đi đánh Pò Then (Trời): Đó là việc đòi hỏi Pò Then phải trao cho chàng một thứ được gọi là “chín ngọn trời”(!). Trong tư duy tín ngưỡng của người Thái, số 9 được coi là số thiêng, cao nhất, liên quan đến trời; hình tượng “trời” được coi là tối thượng, cao xanh; “ngọn” là phần cao nhất của một cái cây, một trái núi (ngọn núi). Vậy nên, “chín ngọn trời” (nguyên văn tiếng Thái trong văn bản là cau nhọt phạ) hội tụ đồng thời cả ba điều cao cả và linh thiêng… Rõ ràng là việc đáp ứng một đòi hỏi như thế là điều không tưởng, và cuộc chiến giữa Thạo Hùng và Pò Then là không tránh khỏi.

Có thể thấy, trường ca Khủn Chưởng đã thu hút được khá phong phú các loại hình văn học nghệ thuật của dân tộc. Trong việc diễn xướng và lưu truyền, trường ca Khủn Chưởng có năm hình thức: kể, hát, khóc- gọi là “khóc Chưởng” (hay Chưởng), sách chữ Thái cổ và có một đoạn múa nhỏ (tạ Chưởng). Khóc và múa được thực hiện trong tín ngưỡng và nghi lễ, thông thường là trong một số việc mo và lễ Kí xa. Cho đến nay, trường ca Khủn Chưởng vẫn đang tồn tại trong sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng của người Thái, được coi là sử thi “sống”. Khi được tham gia trực tiếp vào các buổi sinh hoạt diễn xướng sử thi, hoặc là chỉ quan sát từ bên ngoài cũng có thể nhận diện được sự vận động của sử thi trong môi trường xã hội và môi trường văn hoá dân gian, người dân cảm thấy như được tắm trong dòng chảy của sử thi, được trực tiếp thụ hưởng những cảm xúc thẩm mỹ toàn diện, sinh động và sâu sắc. Từ đây mà bản anh hùng ca Khủn Chưởng sẽ tiếp tục được bảo tồn trong các bản mường người Thái, được tiếp tục phát huy để quay lại phục vụ cho chủ nhân của nó./.

SẦM VĂN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét