Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Thành Tổng Lôi ở Bản Cung

 

Cuộc khởi nghĩa Tổng Lôi được đưa vào mục X, chương II của cuốn “Địa chí huyện Quỳ Hợp”[1], trong đó ghi nhận: “Cuộc khởi nghĩa Tổng Lôi (Quỳ Hợp) chưa nổ ra dữ dội và đã bị bóp nghẹt trong trứng nước nhưng đó là cuộc khởi nghĩa duy nhất có chuẩn bị chu đáo, được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân miền núi Nghệ An. Nó nói lên lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đồng thời cũng nói lên rằng, trước kẻ thù cướp nước, nhân dân ta ở bất cứ nơi nào, dù là đô thị, đồng bằng hay tại một làng bản nhỏ của người dân tộc thiểu số ở trong rừng núi hẻo lánh, âm u; tất cả đều nghĩ đến danh dự, đến thân phận mình và của cả dân tộc mà đứng lên hoặc đi theo các lãnh tụ để giết quân cướp nước, giải phóng dân tộc trong đó có bản thân mình”.[2] Nội dung liên quan trong bài viết này, về cuộc khởi nghĩa Tổng Lôi trong “Địa chí huyện Quỳ Hợp”, dựa theo tài liệu của Trần Thanh Tâm[3], có thể tóm tắt như sau:

“Bản Tổng Lôi là một bản nhỏ ở phía Đông Nam huyện Quỳ Hợp. Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, nạn thuế má, phu phen đè nặng lên đầu lên cổ người dân. Trong bản có ông Lương Văn Bản và ông Lương Văn Cảng nghèo khó hơn cả. Uất ức không chịu được, tháng 3/ 1908 đời vua Duy Tân, ông Lương Văn Bản đi tìm gặp ông Lò Văn Ô để bàn cách đánh Pháp. Được ông Lò Văn Ô đồng lòng, ông trở về Tổng Lôi bắt tay chuẩn bị (...). Lúc đầu căn cứ ở ngay bản Tổng Lôi nhưng khi lực lượng đã đông thì nghĩa quân xây một cái đồn trên một ngọn núi cách bản Tổng Lôi chừng 1 km gọi là Pù Lôi. Bên cạnh đồn có một cái nhà chín gian. Xung quanh đồn và nhà chín gian có hàng rào kiên cố, có cả hào luỹ nữa (gần đây vẫn còn vết tích) (...). Vì một tên Chánh tổng ở bản Khùa xuống báo với tên Đại lý người Pháp đóng ở Nghĩa Đàn, tên Đại lý này liền dẫn một đội lính khố xanh lên đàn áp (...). Cuộc khởi nghĩa ở Tổng Lôi bị thất bại. Căn cứ Pù Lôi và các nhà ở bản Tổng Lôi bị chúng đốt phá. Các “tướng” và nghĩa quân chạy vào rừng núi để ẩn tránh, rồi trở về với gia đình, một số chạy sang Tương Dương, Con Cuông. Riêng ông Lương Văn Bản và ông Lương Văn Cảng, hai lãnh tụ của nghĩa quân, chạy lên Sầm Nưa (Lào) rồi không nghe tăm tích hai ông nữa”.

Trong cuốn “Lịch sử huyện Quỳ Hợp (sơ thảo)”, nhà xuất bản Nghệ An 1995 ở trang 42, 43 có đoạn viết: “Ngay từ những năm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, tại địa bàn Quỳ Hợp ngày nay đã có ông Lương Văn Bản vận động đồng bào Khủn Tinh cùng đồng bào các địa phương lân cận nổi dậy chống Pháp và triều đình phong kiến hèn nhát đầu hàng giặc, hưởng ứng phong trào Văn Thân ở miền xuôi do Bang biện Trần Tấn và Tú tài Đặng Như Mai lãnh đạo (...). Cuộc nổi dậy của ông Lương Văn Bản duy trì được hai năm. Hiện nay di tích về Lương Văn Bản vẫn còn ở Bản Cung (xã Châu Đình)”.

Một số người quê gốc tại xã Châu Đình nhưng nay đang làm cán bộ cấp xã, cấp huyện... khi được nắm bắt các thông tin về di tích lịch sử Tổng Lôi của quê hương mình đăng tải trên một số ấn bản đã phát hành trước đây, đã lưu ý chúng tôi về những điểm khác biệt làm cho đồng bào địa phương thắc mắc... Tuy nhiên chúng tôi xin được phép không đi sâu vào những vấn đề đó mà chỉ có ý định cung cấp thêm các thông tin về thành Tổng Lôi qua một dịp đi tìm hiểu gần đây. Một ngày đầu tháng 9/ 2006, chúng tôi đi đến Bản Cung (Châu Đình) để tìm hiểu kỹ hơn những điều liên quan đến địa danh lịch sử Tổng Lôi. Người đầu tiên chúng tôi đến gặp là ông Lương Minh Thân, 62 tuổi. Ông Thân dẫn chúng tôi đi trên con đường vòng dưới chân núi Pù Lôi. Đó là một ngọn đồi không cao lắm, chỉ độ trên dưới năm chục mét và chu vi cũng chỉ ước chừng trên một cây số, nằm ngay cạnh con đường dẫn vào Bản Cung. Phía bên kia chân đồi, dòng sông Nậm Choọng hiền hoà chảy vòng quanh với một màu xanh trong muôn thuở. Phần đất thoải dưới thấp hầu hết đã được sử dụng để trồng mía. Phía trên đỉnh đồi cây cối mọc um tùm, rậm rịt. Ông Thân nói, bà con cho đó là phần đất “thiêng” nên không dám chặt cây hay phát quang để làm nương rẫy. Trên đỉnh đồi cây đó chính là nơi ông Lương Văn Bản dựng lên ngôi nhà 9 gian mà cho đến nay vẫn đang còn dấu tích: dấu vết của các bậc thềm, khuôn viên thềm nhà, vật liệu xây dựng... Bản Tổng Lôi ở về hướng Tây Bắc của ngọn núi này. Do thời đó bản Tổng Lôi đã bị triệt phá hoàn toàn (từ Tổng Lôi trong tiếng Thái có nghĩa là cánh đồng bị quần nát) nên hiện giờ chỉ là một vùng đất tương đối bằng phẳng khá gần sông Nậm Choọng và toàn bộ đã được phủ kín bởi màu xanh bạt ngàn của mía và ngô- một hình ảnh quen thuộc mới xuất hiện chừng hơn chục năm trở lại đây thể hiện sự ấm no đã trở lại trên vùng đất lịch sử này. Ông Thân cũng chỉ về mấy vạt mía ở về hướng Đông Bắc của Pù Lôi và nói rằng nơi đó đã từng là nghĩa địa của bản Tổng Lôi ngày trước...

Ngày hôm sau, chúng tôi còn nhờ được một người dân ở Bản Cung- ông Lương Cảnh Doãn, sinh năm 1955- dẫn đường đi đến hang Ông Vua. Ông Doãn là một nhân vật khá đặc biệt, từng bươn trải qua không ít nghề mưu sinh đủ loại, hiện đang còn sung sức lắm, lại là người vui tính nên ông mới đồng ý dẫn chúng tôi đi đến hang Ông Vua, nơi từng được coi là một nơi trú ngụ thuận tiện và kín đáo của ông Lương Văn Bản. Hang Ông Vua nằm cách núi Pù Lôi chừng 1 km theo đường chim bay, về hướng Đông Nam. Ngày xưa từ bản Tổng Lôi đi đến hang phải xuyên qua rừng già rậm rạp, còn bây giờ hang nằm ngay cạnh con đường vào khu Tổng Đội thanh niên xung phong huyện Quỳ Hợp nối giữa hai xã Châu Đình và Châu Lý, cách đường lớn chưa đến 100 mét. Độ cao của miệng hang tính từ dưới chân núi đá khoảng 40 mét. Hang đá này cũng được coi là một bản doanh (chỉ huy) của các ông Lương Văn Bản và Lương Văn Cảng. Trước khi đến chân núi đá để lên hang phải lội qua một con suối cạn nhưng mùa này đang có nước (chúng tôi ngờ rằng đây là một đoạn vết tích của hào luỹ đã được đào từ thời đó). Đường lên hang trước kia có bắc thang bằng gỗ nhưng nay thì phải bám đá tai mèo leo lên. Ông Doãn đi trước, vừa leo vừa phát cây dọn đường. Lên đến độ cao gần ba chục mét có một hốc đá khá lớn ăn lõm vào trong vách núi, diện tích đủ cho một cuộc họp trên mười người... Ông Doãn bảo đó là “trạm nghỉ” trước khi leo lên hang chính ở phía trên. Con đường bám đá tai mèo trầy trật leo lên hang chính quả là một thử thách không vừa, nhất là đối với những ai chưa từng leo núi đá hoặc có ý định vác theo máy ảnh và camera đi theo... Hang chính là một nơi trú ngụ thuận tiện và an toàn bởi đường lên hang là con đường độc đạo, khi chiến đấu đó là một nơi hiểm yếu, lúc cần rút lui lại có nhiều hướng... Hang có “gian ngoài” và “gian trong”, diện tích mỗi “gian” chỉ hơn chục mét vuông, khô ráo và sạch sẽ. Ngoài cửa hang có hai trụ nhũ đá lớn, mỗi trụ cao trên hai mét, xưa kia dùng để dựng hai thỏi nến lớn làm bằng sáp ong, mỗi khi thắp sáng thì được coi như “đèn trời”- tuy nhiên hiện giờ một trụ đã bị đổ vào bên trong... Trên nền hang còn sót lại những mảnh vỡ của bát sứ, đĩa sứ có màu men xanh; một vài mẩu xương thú... Đáng chú ý là những mảnh nhỏ còn sót lại của các đoạn cật tre. Trong vòng bán kính độ một cây số xung quanh hang không hề có tre bương (cả ngày xưa cũng thế, bởi tre bương thường ít mọc ở các thung rộng). Các mảnh tre này chỉ có thể đem từ xa đến, mất nhiều công sức mới đem lên hang được, với công dụng làm sạp giường nằm hoặc ống đựng nước. Đã gần một thế kỷ trôi qua từ khi các ông Lương Văn Bản và ông Lương Văn Cảng phải rời bỏ hang Ông Vua để sang ẩn náu bên xứ Sầm Nưa của nước Lào, từ bấy đến nay hang Ông Vua chỉ được tiếp đón những người có công việc đi tìm thuốc Nam hoặc khai thác các sản vật thiên nhiên khác... đến trú ngụ trong chốc lát; hoặc những người dân được nghe kể về câu chuyện lịch sử của bản mường mà lần tìm đến chân núi đá, trèo lên tận miệng hang hoặc thậm chí chui sâu vào trong hang..., như thể họ muốn tìm cho bằng được một sự giải toả tinh thần dựa vào một nền tảng thiêng liêng tồn tại trong chiều sâu của lịch sử. 

Cho dù bất cứ sự so sánh nào cũng bị coi là khập khiễng, bản thân các địa danh lịch sử và văn hoá dù sao cũng vẫn mang đậm những dấu ấn không thể phai mờ theo năm tháng. Một địa danh ghi nhận lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của cộng đồng cư dân đương nhiên là niềm tự hào và đáng quý đối với bất cứ một cộng đồng dân cư nào, cho dù nó vẫn được coi là đã được định hình trong suốt cả một thời kỳ lịch sử lâu dài. Với một địa danh lịch sử như thế, không thể có cách khác, nó chỉ có thể hình thành và để lại tiếng vang bền chặt theo thời gian nhờ vào những thời khắc đòi hỏi sự hy sinh xương máu, mất mát và đau khổ... xuyên suốt nhiều thế hệ! Chúng tôi muốn nói rằng, cho dù vẫn còn đang phải ghi nhận ít nhiều sự thiếu nhất quán trong cách nhìn nhận, đánh giá về không gian thực tại của thành Tổng Lôi, nhưng đồng bào sinh sống tại Bản Cung nói riêng và người dân của xã Châu Đình (Quỳ Hợp) nói chung sẽ không bao giờ để cho hình ảnh lịch sử đấu tranh oanh liệt của quê hương mình nhạt nhoà theo thời gian... Dòng chảy lịch sử từ Bản Tổng Lôi năm xưa vẫn luôn hoà quyện trong dòng chảy muôn đời của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đất nước- dù đó chỉ là dòng chảy nhỏ nhoi được bắt nguồn từ một bản nhỏ hẻo lánh ở chốn heo hút xa xôi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An./.

SẦM VĂN BÌNH



[1] "Địa chí huyện Quỳ Hợp", Ninh Viết Giao chủ biên, nxb. Nghệ An, năm 2003.

[2] "Địa chí huyện Quỳ Hợp", sách đã dẫn, trang 128- 133.

[3] Tài liệu viết tay, lưu giữ tại gia đình anh Trần Thanh Tâm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét