Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Sách "Tốp Lai" của người Thái


Trong ảnh: Ông Vi Văn Biến đang nói về sách “Tốp Lai” với khách

“Tốp Lai” là một cuốn sách chữ Thái (tiếng Thái: Tốp = vỗ tay vào nhau; Lai = chữ), dùng để đoán những bí ẩn riêng tư của một con người. Cách sử dụng sách “tốp Lai” cũng na ná như cách bói Kiều của người Kinh ở các vùng miền xuôi! 
Biết là như vậy, nhưng thật khó mà tìm thấy một người còn giữ được sách “tốp lai”. 
Đã nhiều năm qua, đi đâu chúng tôi cũng chú ý hỏi dò, nhưng quả là khó thật! Cách đây đã gần 3 năm (tháng 12-2010), được sự giới thiệu và giúp đỡ tận tình của thầy giáo Lô Đức Hoạch (hiệu trưởng trường tiểu học xã vùng cao Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), chúng tôi đã gặp được ông Vi Văn Biến, 85 tuổi (nay đã qua đời), người ở bản Cố, xã vùng cao Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ông Biến là người Thái (thuộc nhóm Tày Thanh), trong cái hòm nhỏ ánh lên màu cánh kiến của ông có khá nhiều sách chữ Thái, nhưng theo như lời ông nói thì đó chỉ toàn là sách ghi chép các bài cúng mo, có cuốn chép đến 64 bài, toàn bộ đều bằng chữ Thái thuộc hệ “Lai xứ Thanh” mà trong số anh em chúng tôi, may ra chỉ có anh Sầm Văn Bình là đọc được. Tìm mãi, ông Biến mới lôi ra được cuốn sách “tốp lai” như chúng tôi xin phép được xem. Cuốn sách nhỏ, cỡ 10 x15cm, dày 24 trang, được chép tay bằng bút mực cũ, đã ngả màu (hệ chữ lai xứ Thanh). Ông Biến cho biết là ông cũng chép tay lại với một người già khác mà thôi… lâu lắm rồi, hồi ông mới tròn 20 tuổi, nay nó đã được 65 tuổi rồi… nể thầy Hoạch lắm mới đưa ra cho các cháu xem đấy…! Nói thì vậy, nhưng khi câu chuyện ngày càng gắn kết và hiểu biết nhau hơn, ông Biến đã cho phép chúng tôi mỗi người được “tốp lai” một lần, do chính ông đọc và giải nghĩa trang “tốp” được! Đến lượt tôi, cầm cuốn sách lên đặt vào lòng bàn tay trái, rồi dùng bàn tay phải vỗ nhẹ một cái đánh “bốp”, sau đó nhắm nghiền hai mắt lại, tôi dùng ngón tay cái lật đôi cuốn sách ra một trang ngẫu nhiên. Trang của tôi “tốp” được có đến 40 chữ Thái, nhưng cuối cùng ông Biến đọc, ngâm rồi giải nghĩa chỉ ngắn ngủi như sau: “Con người này suốt đời chỉ luôn băn khoăn lo lắng những chuyện đâu đâu cho người khác, do vậy mà rất nghèo. Kiếp sau sẽ rất giầu!”. Giải nghĩa xong, ông Biến chợt ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt tôi rồi cười lên rất to, rung cả chòm râu trắng như cước, rất đẹp lão. Tôi cũng cười to lên theo ông bất chợt… bởi lâu lắm rồi, tôi mới được nghe một trang sách chữ Thái nói rất đúng về mình như thế: Hoá ra, chữ Thái đã không hề mai một như chúng ta thường nghĩ, mà nó vẫn sống, tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, nếu như ta chịu khó đi tìm nó và lưu giữ nó cho muôn đời sau, thì nhất khoát nó sẽ phát triển cùng với ta mãi mãi trong tiến trình hội nhập sâu vào nền văn hoá và văn minh của nhân loại ngày nay!

(Bài và ảnh: Facebook Thái Tâm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét