Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Chuyện một lần về quê


Ảnh: Nhà văn Quán Vi Miên (bên phải)


Tháng 5/2011, tôi nhận được giấy mời về dự Đại hội Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật huyện Quỳ Hợp lần thứ nhất. Tôi lập tức sắp xếp công việc về trước một ngày để thăm người chị ruột đã già yếu, các cháu, bà con và bạn bè. Tôi xa quê đã 30 năm, thỉnh thoảng mới về thăm được. Khỏi phải nói lòng tôi ngổn ngang những nỗi buồn vui trước cảnh và người đã biết bao thay đổi.
Hôm sau, tôi đến Hội trường Uỷ ban nhân dân huyện sớm. Khi bước qua cửa, tôi gặp một người phụ nữ trẻ, vẻ quen quen.
- Thầy! - Cô thốt lên.
Tôi nhìn lướt qua người cô, cố nhớ xem đó là ai, nhưng không thể biết chính xác được.
- Chúng mình cùng học ở đâu nhỉ? - Tôi nói nhỏ, thăm dò. Đời tôi học nâng cấp nhiều lần, biết đâu đây là bạn học?
- Không. - Cô ta nói, giọng như ghìm lại.
- Em học lớp nào? - Tôi liền nghĩ cô ta là giáo sinh sư phạm mà tôi đã dạy.
- Em là Ngọc, con thầy Dự.
- À!...
Thì ra đây là cô bé ngày nào suýt chết đuối ở dòng sông Nặm Tốn mùa hè 1973.
- Thầy đã mất năm ngoái phải không? - Tôi hỏi.
- Dạ.
- Mẹ thế nào?
- Vẫn khoẻ ạ.
- Thầy Lương Quốc Nga ở bản Có Hướng cũng đã mất rồi.
Cháu có vẻ không nhớ người tôi nhắc tên. Tôi nói thêm:
- Thầy Nga đã cứu em ở sông Nặm Tốn buổi chiều tối nước lũ ấy. Thầy mất vì tai nạn xe máy. Nghe nói thầy đang đứng ở bên đường thì xe máy lao vào...
Sắp đến chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội. Hình như Ngọc phải viết vài lời giới thiệu cho đội văn nghệ trường phổ thông trung học thì phải.
- Xin lỗi thầy... Em xin gặp thầy sau...! Ngọc ngập ngừng nói.
Tôi trở về ghế ngồi.
Kỷ niệm gần 40 năm xưa hiện lại trong tâm trí tôi. Hồi đó tôi là giáo viên cấp 2 mới ra trường, được trở về dạy ở quê hương. Mùa hè 1973, thầy Dự, người thầy cấp 1 của tôi trước đây (1964), gọi tôi về dạy ở trường thanh niên lao động huyện Quỳ Hợp ở Chợ Bãi (xã Tam Hợp) cùng với thầy. Tôi nhận lời ngay. Cùng đi với tôi có anh Lương Quốc Nga. Một buổi chiều tối, bốn thầy trò - cha con chúng tôi (thầy Dự, Ngọc - con gái thầy, tôi và Nga) mới từ Chợ Bãi đạp xe về Châu Quang. Vừa đến sông Nặm Tốn thì trời cũng vừa sập tối mà nước lũ thì lên rất to. Không thể đứng chờ cả đêm ở bên bờ sông vắng, chúng tôi quyết định qua sông. Tôi vác xe đi trước. Thầy Dự bảo Ngọc hãy chờ ở trên bờ rồi cũng vác xe theo sau tôi. Nga đi tiếp thứ ba. Mới đi được một đoạn thì nghe tiếng Ngọc kêu "ối" ở đằng sau. Có lẽ nó cũng đã liều mình xuống nước. Trời tối, tôi chỉ thấy mờ mờ. Mọi diễn biến xảy ra rất nhanh. Hình như thầy Dự quẳng xe quay lại cứu con. Nhưng lúc đó có lẽ Nga đã kéo được Ngọc lên, vì tôi nghe tiếng thầy Dự chuyển từ hoảng hốt sang vui mừng. Khi tất cả đã lên bờ, mọi người mới thở phào "may thật". Từ đó trở đi, chúng tôi vừa đạp xe vừa cười ha hả, làm như không có chuyện gì xẩy ra.
- Số nó may thật! - Thầy Dự nói về con gái.
Nhưng sau này ở xa, tôi chỉ nghe toàn chuyện đen đủi về người con gái của thầy. Khi tôi đi du học ở Liên Xô về dạy ở trường sư phạm tỉnh, thầy Dự có gặp tôi ở Vinh, nói rằng Ngọc đã học xong đại học, về dạy trường cấp 3, nhưng "vi phạm kế hoạch sinh đẻ" nên bị "kỷ luật" gì đó. Cũng bị "hành tội" một thời gian...
Tôi nhìn lên bục. Đội văn nghệ trường phổ thông trung học bắt đầu biểu diễn các tiết mục chào mừng đại hội. Ngọc đứng sau cánh gà chỉ đạo học sinh và cuối cùng cô cũng tự thể hiện một bài hát. Quả cô cũng có năng khiếu văn nghệ như cha cô - người thầy giáo quá cố của tôi.
Sau một buổi làm việc, đại hội đã kết thúc tốt đẹp. Mọi người chụp ảnh lưu niệm. Ngọc rủ tôi chụp ảnh. Trước khi chia tay, em nói:
- Chắc thầy có nghe chuyện "quá khứ" của em. Sau được "hoàn trả" cả...
- Con cái em thế nào? - Tôi hỏi.
- Chúng học tốt. Một đứa du học ở Anh. Một đứa ở Trung Quốc...
"Hoá ra thầy Dự đã nhận định đúng về số phận con gái mình" - Trên đường về, tôi nghĩ.
Một lần về quê, càng làm tôi nhớ lại kỷ niệm xưa, nhớ tới thầy Dự, nhớ tới Nga - người đồng nghiệp xấu số, nghĩ đến số phận của Ngọc và những năm tháng của cuộc đời tôi, những người thân thích, bà con, bạn bè tôi và những cảnh quan sông núi, thung lũng, ruộng đồng...của bản quê. Ôi chao! Mọi cái đã thay đổi, chỉ có kỷ niệm thời thanh xuân là còn tươi rói./.

Vinh ngày 10/6/2011
Quán Vi Miên- Hội viên hội nhà văn Việt Nam

2 nhận xét:

  1. Tình cờ sang thăm Sầm Bình, đọc được bài của nhà văn La Quán Miên, rất vui vì là chỗ bạn bè anh em gặp nhau cả. Hơn nữa, hôm đại hội văn nghệ Quỳ Hợp mình cũng được tham dự. Không biết có phải cô Ngọc trong bài viết của nhà văn LQM là cô giáo Châu không nhỉ?
    Chúc Sầm Bình và gia đình luôn vui khỏe hạnh phúc nhé! Cho mình gửi lời thăm anh La Quán Miên với nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Trang sang chào anh Bình Sam...rất vui gặp lại anh tại blogspot này.....mong rằng anh sẽ giao lưu cùng với Tuyết Trang.....1 ngày mới luôn nhiều niềm vui anh nhé....

    Trả lờiXóa