Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Dòng nước thần


(Ảnh từ internet)

Ngày xưa, ở vùng Bản Lạo, Bản Khôông, có một suối nước trong xanh, ngày đêm róc rách đem nước về tưới cho vùng đất mênh mông, màu mỡ. Dân làng đắp phai, đào mương, đưa nước vào ruộng cấy cày. Một năm hai mùa, bản làng ấm no, trù phú có tiếng
.
Dòng suối trong xanh ấy là dòng nước thần.
Chuyện kể rằng ở Bản Bìa có một ông già hiền hậu, thỉnh thoảng vẫn đi rừng. Một hôm ông vào rừng tìm chạc mây. Ông tìm khắp núi, khắp rừng mà chẳng thấy mây đâu. Bỗng ông lạc vào một thung lũng lạ, xung quanh núi cao bao bọc. Ông không tìm được đường ra. Trong thung lũng có một con suối. Ông bèn lội theo dòng suối, mong thoát ra khỏi núi bao bọc. Nước chảy vào một hang đá, mất hút vào lòng núi. Ông đứng ngắm nghía hồi lâu rồi nhận ra dòng nước đó chảy đi lắm ngả. Có ngả chảy về Bản Bìa của ông. Riêng phía Bản Lạo, Bản Khôông thì chẳng có dòng nước nào. Ông nghĩ đến dân bản dưới đó quanh năm khô khát, mọi chuyện đều chỉ trông chờ hạt mưa. Ông bèn quên hết mệt đói, xắn quần lên, bẩy đá khơi dòng cho nước chảy về phía Bản Lạo, Bản Khôông. Công việc đến chiều tối thì xong. Thác nước ào ào tung bọt trắng xoá, cuồn cuộn chảy xuống thung lũng. Chim thú tung bay, chạy nhảy náo động khắp nơi để đón dòng nước về. Hạt mầm chui lên khỏi mặt đất; chồi non bật ra khỏi vỏ cây; hoa nở bung, đậu quả… Sự sống núi rừng, làng bản sinh sôi, nảy nở. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con đốt lửa đi đón nước, xem suối nước thần- họ gọi thế.
Ông già Bản Bìa vừa về đến nhà đã thấy có đoàn người cầm đuốc sáng rực từ Bản Lạo, Bản Khôông đi lên hỏi:
- Ông vừa đi rừng về phải không? Quần ông còn xắn kia, vỏ dao còn mang kia, khăn trên đầu còn quấn kia. Đúng như Bà Chửa Hoang nói rồi!
Ông già ngớ người, không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng đoàn người đã nhanh nhảu nói:
- Chuyện lành thôi mà. Chúng tôi nghe Bà Chửa Hoang nói ông đã đắp suối, khơi cho nước trên núi chảy xuống Bản Lạo, Bản Khôông, đúng không?
Lúc này ông già mới buột miệng nói:
- Ờ, ờ…, phải.
- Thế thì chúng tôi xin đa tạ ông. Xin mời ông xuống làm lễ ăn mừng với dân bản chúng tôi ngay đêm nay!
Ông già chưa kịp nói thêm gì thì mọi người đã đặt ông lên cáng khiêng đi… Họ mổ trâu, uống rượu, đánh cồng chiêng ăn mừng. Trong cuộc vui, ông già chú ý không thấy Bà Chửa Hoang đâu. Đúng là khi vào rừng, ông có gặp Bà. Chính Bà đã nói với dân bản điều đó, họ mới biết. Nhưng tại sao bây giờ không có Bà? Ông hỏi trưởng bản xem Bà Chửa Hoang đâu, thì ông ấy nói:
- Bà Chửa Hoang bị đuổi ra ở ngoài bản, ai cho Bà tham gia vào "lễ" bao giờ!
Ông già Bản Bìa buông một tiếng thở dài…
Đến mùa năm đó, gặt hái xong, dân Bản Lạo, Bản Khôông tổ chức lễ cúng dòng suối, và họ lại lên rước ông già Bản Bìa xuống cùng vui. Họ khiêng ông ngồi trên kiệu. Rồi năm sau, năm sau nữa, cũng thế!
Rồi đến một năm, những người già sai bọn trai bản choai choai đi khiêng ông già Bản Bìa. Dọc đường, chúng bàn cãi nhau:
- Tại sao ông già Bản Bìa năm nào cũng bắt dân bản ta lên khiêng xuống đánh chén thịt rượu, hả?
- Phải đấy!
- Từ nay trở đi người già giao việc đó cho bọn ta rồi.
- Phải đấy!
- Giết quách lão đi cho xong!
- Phải đấy!
Thế là đám người đi được nửa đường, liền quăng kiệu trở về, đón chờ giết ông lão Bản Bìa. Họ nghĩ, không thấy người lên đón, ông lão nhớ "lễ", thể nào cũng xuống.
Qủa đúng như vậy. Ở nhà, ông lão thấy đến giờ rồi mà không có người Bản Lạo, Bản Khôông lên đón, thấy băn khoăn. Ông nghĩ gì thì gì, cũng phải xuống dưới đó xem sao? Ông đi được nửa đường thì thấy xa xa Bà Chửa Hoang hớt hơ hớt hải chạy lại. Bà nói rằng người Bản Lạo, Bản Khôông chẳng muốn khiêng ông đi về mỗi dịp lễ suối nữa, họ sẽ giết ông cho rảnh, ông cần phải nhanh nhanh trốn…
Ông lão ngửa mặt lên trời than:
- Lòng dạ con người đến thế ư?
Rồi ông cảm ơn Bà Chửa Hoang, quay gót nhanh chân trở về. Hôm đó, người Bản Bìa không thấy ông lão về nhà nữa. Mấy người em trai cất công đi tìm đâu cũng không thấy.
Ông lão đi mất, thì dòng suối chảy xuống Bản Lạo, Bản Khôông cũng cạn khô, không chảy nữa. Người ta bèn ngược theo dòng suối cạn mà tìm nguồn suối. Nhưng chẳng thấy nguồn suối đâu mà còn bị lạc trong rừng, trong thung lũng đến đói vàng mắt, phải ăn quả cây, củ rừng mới bò về đến nhà.
Đến lúc đó, mọi người đã hiểu dòng suối ấy chính là dòng nước thần, chứ không phải bình thường; ông lão Bản Bìa cũng là Thần vậy. Nhưng mọi sự đã muộn rồi.
Cho đến bây giờ Bản Lạo, Bản Khôông vẫn chẳng còn suối nước chảy quanh năm. Một con suối chỉ có nước trong mùa mưa bão. Ấy vậy nên ở đây họ rất quý nước./.

Trích từ "Múa hát mừng nhà mới"- Quán Vi Miên chủ biên.
Người kể: Lương Văn Bóng, Bản Vực, Châu Lý, Quỳ Hợp, Nghệ An.

2 nhận xét:

  1. Câu chuyên thật hay. Nó đúng như câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn". Hiểu rộng ra, ai không "nhớ nguồn" sẽ không bao giờ được hưởng dòng nước mát!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oh Nhật Thành ah mh cứ thấy mang máng như thế nhưng ko diễn giải ra được...

      Xóa