ÀI CU- CHÀNG NGỐC THẬT THÀ
[Báo Nghệ An cuối tuần, Chuyên trang Miền
núi- dân tộc số 809 ngày 06/11/2016]
Ài Cu là nhân vật trong câu chuyện cổ hài hước của dân tộc Thái ở Nghệ An
và được lưu truyền cả ở vùng Tây Bắc. Nếu so sánh với truyện cổ cả các dân tộc
anh em khác, nhân vật Ài Cu phần nào giống với nhân vật Thằng Bờm trong truyện
cổ của dân tộc Kinh. Mặc dù vậy, yếu tố phân biệt và mâu thuẫn giai cấp trong
truyện Ài Cu khá mờ nhạt; bù lại, sự phóng đại trong các yếu tố gây cười được
dân gian nâng lên ở mức cao trào. Điểm khá giống nhau ở cả hai truyện là tất cả
các tình tiết xảy ra đều xuất phát và gắn bó mật thiết với những công việc
trong sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Nội dung các tình tiết trong
truyện có thể chia tách khá rạch ròi, có thể tóm lược như sau:
"Ngày xưa trong bản có anh Ài Cu lười nhác, ngớ ngẩn, lấy được vợ đảm đang,
chịu khó. Năm ấy tháng ba, dân bản kéo nhau vào rừng phát rẫy cả, người vợ cũng
bảo chồng đi phát rẫy với người ta. Vợ dặn là phát rẫy "bằng vỏ ốc, vỏ cua
cũng được", vậy là anh cứ đi dọc bờ suối tìm vỏ cua vỏ ốc, mãi đến trưa
anh mới nhặt được vỏ cua vỏ ốc, liền mang đến đặt lên một tảng đá bờ suối, coi
như đã có rẫy.
"Vợ dẫn Ài Cu đi tìm chỗ khác để phát rẫy. Ài Cu khi thì bảo mệt muốn
nghỉ, khi thì bảo khát nước, không chịu khó phát rẫy, nên người vợ mới nghĩ ra
một cách là treo gói cơm ở đầu kia, bảo Ài Cu phát rẫy đến đó sẽ có bánh Tóng
Chính[1]
ăn. Qủa thật lúc đó Ài Cu mới ra sức phát rẫy, đến nơi có gói cơm được ăn, anh
phát càng hăng. Người vợ bảo đằng kia còn một quả Tóng Chính nữa còn ngon hơn
quả này. Thế là Ài Cu phát càng hăng hơn, cuối cùng rẫy cũng được phát xong.
"Đến khi cành lá đã khô, người vợ bảo Ài Cu đi đốt rẫy: Thấy gió lùa "đằng
đầu" thì đốt "đằng đầu", thấy gió lùa "đằng chân" thì đốt
"đằng chân" (ý nói đốt phía đầu rẫy và chân rẫy). Ài Cu lên rẫy, thấy
gió thổi trên đầu liền giơ bó đuốc lên châm vào đầu mình. Lửa cháy tóc, anh kêu
ôi ối. Lại thấy gió lùa dưới chân, Ài Cu lại châm lửa vào chân. Bị bỏng, anh nhảy
cuống cuồng trở về nhà trách vợ. Người vợ lại phải lên rẫy đốt.
"Có một con nai bị lửa đốt rẫy thiêu chết, người vợ xẻo một miếng thịt
to bảo chồng đưa sang biếu ông bà ngoại. Người vợ sợ chồng quên mất việc đưa thịt
biếu, nên còn bắt thêm một con gà nữa, rồi vừa nói "Mang thịt nai đi biếu đằng
ngoại" vừa đập con gà cho nó kêu "pụp oác" để Ài Cu cứ thế mà
nhớ lại. Khi Ài Cu đi qua một con suối, nghe tiếng suối chảy róc rách như lời
xin thịt, Ài Cu lắng nghe mãi rồi ném cho suốí một miếng thịt. Ài Cu đi tiếp đến
gần bản bên ngoại. Anh nhẩm mấy lời để nói với cha mẹ vợ, nhưng mang thịt gì đi
biếu thì quên tiệt mất, sực nhớ là phải hỏi gà. Anh liền đập gà để nhớ lại, nhưng
do đập quá mạnh nên gà bị chết mất.
"Ăn xong, Ài Cu nằm nghỉ ở chỗ cửa sổ phía trên, thò cổ ra ngoài song
cửa, bị kẹt không tài nào rút đầu ra khỏi đó được. Thấy trời đã về chiều, ông bà
ngoại giục rể về kẻo tối, nhưng vì chưa rút cổ ra được nên Ài Cu phải nói: Chưa
tối đâu, rồi con sẽ về nhanh thôi mà.
"Chiều tối, trâu về chuồng, thấy trâu nghiêng sừng lách vào cửa chuồng,
Ài Cu mới bắt chước trâu, nghiêng đầu rút ra khỏi song cửa.
"Đến lúc Ài Cu về. Mẹ vợ đưa cho một buồng chuối chín, bảo Ài Cu mang
về cho các con ở nhà ăn: Đưa chuối về cho mấy "con chó con" ăn nhé!
"Dọc đường Ài Cu nghĩ chuối này mà đưa về cho chó ăn thì phí quá. Ài
Cu muốn ăn chuối lắm, nhưng vì quẩy buồng chuối ở phía sau lưng nên không tài
nào quài tay ra sau để bẻ chuối được. Gặp đám trẻ chăn trâu, anh liền đố chúng
rằng phải làm sao thì mình mới bẻ chuối ăn được. Đám trẻ mách cho anh là phải
đặt buồng chuối xuống đất. Vậy là Ài Cu vừa đi vừa bẻ chối ăn, đến nhà chỉ còn
lại vài quả. Đến dưới sàn, thấy chó anh ném chuối cho mấy "con chó
con" ăn. Thành ra, các con của Ài Cu không được ăn quả chuối nào"...
Trên đây là những tình tiết chính trong câu chuyện kể về Ài Cu. Chuyện này
cũng có khá nhiều dị bản, các tình tiết không được giới thiệu ở đây cũng có khá
nhiều. Tùy theo cảm hứng và cách thức, khung cảnh cụ thể mà người kể sẽ lựa
chọn các tình tiết phục vụ cho câu chuyện mình kể. Sở dĩ phải nói như vậy vì
trong câu chuyện này cũng có những tình tiết rườm rà, dễ làm phân tán sự
cô đọng của yếu tố hài. Mặt khác, trong câu chuyện này còn có thêm các tình
tiết mang tính dung tục, cho dù các yếu tố dung tục chỉ xuất hiện ở mức độ vừa
đủ để thêm thắt gia vị cho câu chuyện...
Thông thường, các câu chuyện hài được xuất hiện, được dân gian sáng tạo và
được lưu truyền trong dân gian là nhằm đem lại tiếng cười sảng khoái, làm cho
người nghe vơi đi những mệt nhọc trong công việc, tạm thời quên đi những buồn
phiền trong cuộc sống, đem lại tinh thần lạc quan để khắc phục khó khăn... Trong
các đám tang của người Thái, những câu chuyện hài này còn được các dâu rể đến
"làm ma" (ết phỉ) của gia đình kể cho nhau nghe, cùng với những câu
đố theo kiểu đố tục giảng thanh rất cuốn hút và vui vẻ. Việc kể những câu
chuyện hài, những câu đố vui này, cũng như các trò vui khác của các dâu rể đến
"làm ma", được coi là không thể thiếu để làm phúc, làm vui cho linh
hồn người chết, cũng là dịp cầu mong cuộc sống bình an, khỏe mạnh, vui vẻ cho
tất cả mọi người./.
Sầm Văn Bình
Yên Luốm, Châu Quang, Qùy
Hợp, Nghệ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét