Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Tục sinh con, sinh nở theo tâm linh người Thái

 


TỤC XIN CON- SINH NỞ THEO TÂM LINH NGƯỜI THÁI

 [Báo Nghệ An cuối tuần số 13674 ngày 23/7/2023]

Đối với người dân tộc Thái, sự ra đời của trẻ con không chỉ là biểu hiện hạnh phúc của lứa đôi, sự kiện trọng đại của mỗi gia đình, mà còn là niềm vui của cả dòng họ. Khi bé trai được sinh ra, sẽ đáp ứng nhu cầu về việc nối dòng nối dõi; nếu là bé gái, sẽ có người tiếp nối việc canh cửi, chăn màn, bếp núc, gìn giữ ngọn lửa trong gia đình. Trong tập tục sinh đẻ với những nét văn hóa đặc thù mang bản sắc của người Thái nhóm Tay Mương ở Nghệ An, quá trình xin vía con cho đến sinh nở (và các quá trình tiếp nối về sau), đã luôn được lưu truyền và thể hiện trong các nghi lễ quan trọng trong đời người. Thầy mo thực hiện nội dung này trong 2 nghi lễ quan trọng: lễ làm vía đại (làm vía cho người già), và trong phần nội dung "thu của về trời" ở đám tang ma người cao tuổi.

Đầu tiên, thầy mo nhắc đến thời gian đôi vợ chồng trẻ vừa mới kết duyên. Việc kết duyên này được cho là nằm trong phúc phận của cả hai người do ông trời xếp đặt:

"Bố (Trời) mới kéo vườn Nen về ghép/ dẫn vườn Nen về gần/ đưa vườn chuối mường trời về gộp thành duyên vợ chồng/ Mới có đôi như là đôi đũa/ Có chăn có màn để vào nằm ngủ/ Mới có vợ chồng chung vía, thân tròn chung nệm với nhau".

Rồi tháng ngày trôi đi, đôi vợ chồng trẻ quấn quýt bên nhau đã lâu ngày nhưng chưa có con: "Vẫn còn ở rỗi như cá bọp ở vũng sâu/ Ở không như cá Vả dưới phai/ Ở lành như trâu choai trong chuồng". Họ e sợ rằng "Không có chó có mèo sợ chuột gặm mất cửi/ Không có con nhỏ thì không có người nối dõi trong nhà". Vậy nên vía người mẹ trẻ đã lặn lội lên Mường Then, đến gặp Trời để xin vía con: "Thấy tủi mới gập khuỷu tay lên nhà Mẹ (nữ thần trên trời) van xin/ Ngửa tay lên nhà Then xin con nhỏ".

Bà nữ thần thấy thương tình nên ban vía con cho. Lúc đó, ông Trời mới cho gọi các vị Then (thiên thần) đến để làm công việc đúc ra vóc dáng cho linh hồn đứa trẻ. Các vị thiên thần này gồm có: Pa Căm (bà thần quản lý nguyên liệu), Chẳng Bằng (vị thần cân đong, tính toán), còn cả các vị Then khác nữa sẽ được gọi sau. Lúc này, ông Trời (Then Bôn) mới đo đạc vóc dáng và định ra các cơ quan thân thể cho vía: "Bố Bôn đến, Bố đo chân/ Bố đo cho thành chân/ Bố làm ra cẳng chân/ Để có cẳng chân đi ruộng/ Rồi Bố làm đùi/ Để có đùi đi nương/ Bố làm ra gan/ Có gan thành hai chồi/ Bố làm ra phổi/ Có phổi thành hai lá/ Làm ra ngón chân ngón tay xinh xắn/ Ngón út và ngón cái hồng hồng/Mọi cái đều làm ra cho đủ/ Mọi thứ làm ra cho khắp/ Không cho thiếu thứ gì ở trong thân thể".

Xong xuôi đâu đấy, ông Trời gọi tiếp ông Then Bảu (thần đúc khuôn) và Lam Phạ (thợ đúc) đem khuôn đến: "Cái khuôn đẹp Bố Bôn đem đặt/ Cái bễ rèn Bố đem đến kề/ Phía dưới có sắt đến lót/ Phía trên lấy khuôn đồng đến đặt/ Mới có ông Lam Phạ đến thụt bễ phì phò/ Ai khéo thụt thì đến thụt bễ/ Ai khéo rèn đến rèn chan chát". Các vật liệu như vàng, bạc, đồng đều đã được nung nóng chảy và sẽ được rót vào trong khuôn, và phải rất cẩn thận, chính xác: "Then mới cúi mặt vào lều thợ đổ khuôn đúc người/ Không đổ lệch ra sợ con mắt toét/ Không đổ trào sợ con bị mắt loà/ Không đổ xiên đổ xẹo sợ con chân khoèo/ Đổ khéo mới thành thân hình đẹp/ Đổ con gái thì Then đổ ngửa/ Đổ con trai thì Then đổ sấp"...

Việc đúc hình hài thân thể cho linh hồn đứa trẻ đã xong, nay đến việc của ông Then Bắc (Then xác định cuộc đời dài ngắn). Ông Then Bắc sẽ hỏi cặn kẽ xem linh hồn sẽ chấp nhận những quãng đời như thế nào sau khi thành thai nhi:

- Hỏi xem đứa trẻ có (chấp nhận) bị chết khi còn là thai nhi hay không: "Mày hoá sau bố sau mẹ được mấy hạn thì về/ Được một tuổi thì mày nảy nở/ Nảy nở rồi mày lại hoá/ Vừa vào trong bụng mẹ thì về (tức là quay trở về Trời)?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi tiếp xem đứa trẻ có bị chết do ngã cầu thang, rơi sàn hay không: "Biết nhận chết rơi sàn sau sàn trước/ Mày sẽ về không/ Được ba tuổi biết đi, mày rơi thang/ Mày sẽ về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi tiếp xem đứa trẻ có bi chết do rủi ro khi đi bẫy cá, bẫy thú trong rừng không: "Được bốn tuổi biết đi dựng đăng, bị đá kẹp tay/ Mày về không/ Kỳ năm tuổi biết cầm đăng cầm đó đi đặt, ma núi xuống bắt/ Kỳ sáu tuổi biết cẩm nỏ, ma rừng về lấy/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết đuối do rơi khỏi thuyền bè hoặc tắm sông tắm suối: "Bảy tuổi chết với thuyền, xác ngâm dưới nước/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết do tai nạn từ trâu bò, hổ báo, rắn rết không: "Chết vì bò sừng vằn, trâu sừng mập/ Kỳ tám tuổi, mày chết với mồm hổ gầm, cằm hổ vồ/ Kỳ chín tuổi chết với rồng nổi vảy, rắn cuộn đuôi/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết do nhiễm khuẩn, trúng độc, ngộ độc không: "Kỳ mười tuổi mày chết do con dòi cắn da/ Cả tổ con mò gà vào gặm xương/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết do ăn lá ngón không: "Kỳ mười hai tuổi chết vàng như lá rau úa/ Chết gấu áo ướt nước dãi/ Chết vì ăn lá ngón đang tốt bời bời/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết do rơi vực sâu, vách đá không: "Kỳ mười ba chết do rơi lèn đá nhám/ Kỳ mười bốn tuổi chết do rơi vách núi đá cao/ Mày về không?". Đáp: không nhận, không về!

- Hỏi xem có bị chết do gươm đao, bom đạn không: "Kỳ mười sáu chết khăn nhúng máu đỏ/ Chết xác tan theo gió bỏ oan thân thể/ Mày sẽ về không?". Đáp: không nhận, không về! Vân vân...

Cuối cùng, vía mới nói, mới thưa lại với ông Then Bắc: "Đã có công hoá thành người về mường trũng mắt ngang/ Hoá người xuống mường giữa mắt xếch/ Hoá xuống sau bố sau mẹ xin được ở lâu dài/ Đến kỳ ngã, xin ngã với vải vóc/ Đến giờ chết xin chết với nệm chăn/ Ngã xuống dưới con đẻ còn được ôm/ Ngã lên trên con trai còn được đỡ".

Ông Then Bắc mới đưa sổ nhà trời ra, ghi chép quãng đời người, tháng năm hưởng thọ dưới trần gian của vía vào để lưu giữ. Tiếp đó, trời ban cho vía các loại giống má, công cụ làm ăn, trâu bò, của cải... để mang xuống trần. Vía đứa bé xuống trần rồi hóa thân vào lòng mẹ, lúc đấy mẹ mới mang thai: "Vía mới cúi mặt ở bên khuất/ Nhắm mắt ẩn vào lòng mẹ/ Khắc có đốm bằng đốm hạt vừng/ Khắc có mắt như chồi mắt mía/ Khắc có con bé nhỏ xuống để chăm giường vía". Vía của người mẹ nay đã có thai trong bụng, quay bước về trần gian, nhưng ông Then Bắc còn dặn dò thêm: "Hãy xuống theo đường người già, đường tổ tiên thuở xưa/ Xuống theo đường ông bà nội ngoại thuở trước/ Xuống đường đấy mới già/ Đi đường đấy mới ở thọ dài lâu".

Sau những tháng ngày mang thai thì người mẹ chuyển dạ sinh con một cách an toàn, nhẹ nhõm: "Sinh buổi chiều không ai thấy/ Sinh buổi trưa không ai biết". Bà đỡ đến đỡ đẻ, lau rửa và quấn tã cẩn thận, rồi đặt đứa bé vào chiếc mẹt. Một bà cô hay bà bác trong nhà đến nâng tấm mẹt, làm động tác nâng lên hạ xuống ba lần như sảy gạo rồi nói to: "Là con của ma thì hãy mang đi/ Là con của trời thì cho trời mang về/ Kẻo uổng cơm người mường trũng mớm/ Kẻo uổng muối người mường bằng nuôi". Sau khi nói như thế mà thấy đứa bé vẫn khỏe mạnh thì đích thị là "con của người", người ta mới mớm cơm cho đứa bé ăn bữa đầu tiên.

Một đứa trẻ đã được sinh ra và hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Đứa trẻ đó ăn uống, khóc cười, lớn lên, trưởng thành, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái rồi tiếp tục già đi… Cho đến khi ông Then Bắc điểm sổ nhà trời, thấy đã đến kỳ hạn nên gọi người đó phải quay về trời, như đã giao ước "Đến kỳ ngã, xin ngã với vải vóc/ Đến giờ chết xin chết với nệm chăn/ Ngã xuống dưới con đẻ còn được ôm/ Ngã lên trên con trai còn được đỡ"...

./.

Sầm Văn Bình, Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét